Gặp lại các tác giả được đưa vào Sách giáo khoa: Võ Thu Hương - Chỉ khi viết mới thấy mình tự tin nhất
Trong vai trò biên tập viên của NXB Giáo dục Việt Nam và là bạn lâu năm của nhà văn Võ Thu Hương, tôi viết bài này với mục đích để giáo viên và học sinh có thêm tư liệu trong quá trình tìm hiểu, dạy và học tác phẩm.
Trong bộ sách giáo khoa (SGK) Chân trời sáng tạo, Võ Thu Hương có các tác phẩm như: Góc nhỏ yêu thương (Tiếng Việt 2, tập 1), Quê mình đẹp nhất (Tiếng Việt 2, tập 2), Con đường mơ ước (Tiếng Việt 4, tập 1), Con muốn làm một cái cây (Ngữ văn 6, tập 2), Chỉ là một em gấu đi lạc (Bài tập Ngữ văn 6, tập 2).
Trong bộ Kết nối tri thức và cuộc sống có các tác phẩm: Ông bụt đã đến, Con muốn làm một cái cây (Tiếng Việt 4, tập 2).
Từ căn gác cũ đầy ắp yêu thương
Khi tôi viết những dòng này, lòng bỗng da diết nhớ về căn gác cũ nhiều kỷ niệm của gia đình Võ Thu Hương, hồi chúng tôi còn là những cô bé học trò nhiều mơ mộng. Tôi nhắn: "Tự nhiên chị thấy nhớ cái gác nhà em hồi xưa tụi mình nằm đọc sách và nói chuyện thâu đêm trên đó quá!". Hương liền nhắn lại: "Chị làm em cũng nhớ cái gác đó quá! Mình ở góc nào thì góc đó đều dễ thương dễ nhớ hết nhỉ!"…
Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó câu nói về giá trị của một tình bạn lâu năm, đại ý rằng tình bạn trên 3 năm là bạc, trên 5 năm là vàng, trên 7 năm là kim cương… Nếu vậy thì tình bạn giữa tôi và Võ Thu Hương không biết là gì? Chỉ biết đã từ rất lâu, tôi xem Hương như bạn bè và cũng như người thân, vừa gần gũi, yêu thương, vừa quý mến, ngưỡng mộ…
Hơn 25 năm về trước, phong trào sinh hoạt văn thơ thiếu nhi theo hình thức nhóm bút ở các tỉnh thành rất sôi nổi. Nhóm bút Hoa Cát của chúng tôi khá "đình đám", tập hợp những cây viết tuổi học trò trong tỉnh Nghệ An. Các thế hệ của Hoa Cát lần lượt đi học đại học xa quê nhưng vẫn dõi theo và động viên các em lớp sau tiếp nối phong trào. Đặc biệt, chúng tôi còn được các cô chú, anh chị ở hội văn học nghệ thuật tỉnh, ở báo Thiếu niên tiền phong thời đó rất chăm chút, khuyến khích việc sáng tác. Những lá thư tay qua lại, những buổi gặp mặt định kỳ để sinh hoạt văn thơ… đã gắn kết nhóm chúng tôi.
Tôi và Võ Thu Hương có mối thâm tình, trước hết vì Hương là bút trưởng - thủ lĩnh của nhóm bút Hoa Cát thời đó. Mỗi lần sinh hoạt, cả nhóm lại "khăn gói" từ các vùng quê khác nhau háo hức đón xe về thành phố Vinh. Dĩ nhiên địa điểm tập trung là nhà của bút trưởng, ngôi nhà nằm trên một con đường nhỏ, gần chợ Vinh. Chúng tôi chen nhau trên căn gác gỗ chất đầy sách, cùng đọc cho nhau nghe những sáng tác mới và nhận xét, góp ý rất hăng say, rồi đàn hát, nói chuyện thâu đêm, kéo nhau ra phố cùng thưởng thức những món ăn vặt…
Khi các thành viên khác đã về cả thì tôi còn nán lại chơi với Hương thêm một vài buổi. Rồi những dịp nghỉ Hè, nghỉ Tết ở quê, cảm thấy thèm không khí phố phường, sách vở… tôi lại xin phép bố mẹ bắt xe vào nhà Hương mấy ngày. Hương thường chở tôi trên chiếc xe đạp cũ rong ruổi hết mọi ngóc ngách thành Vinh, ghé chỗ này chỗ nọ nhâm nhi vài món khoái khẩu và nói những câu chuyện bất tận.
Có đêm 2 chúng tôi ngồi bó gối trên gác nhỏ, thả hồn vào những bản nhạc đẹp và buồn từ cái đài cát-sét cũ. Nhớ cây đàn guitar dựng bên kệ sách, mỗi lần Hương ôm đàn mày mò một bản nhạc nào đó, tôi lại cảm giác như Hương sắp tan chảy cùng âm thanh…
Võ Thu Hương có một người mẹ trên cả tuyệt vời mà tôi mãi mãi kính trọng. Vì hoàn cảnh phải nghỉ hưu sớm, vất vả mưu sinh bằng nhiều nghề như đẩy than tổ ong đi bán khắp nơi, thu mua, gom nhặt phế liệu… nhưng mẹ rất đề cao việc học và đặc biệt tôn trọng sở thích văn thơ của con gái, cũng như bạn bè con. Bà luôn khuyến khích và rất tự hào, rất vui mỗi dịp nhóm chúng tôi tập trung gặp gỡ, trao đổi chuyện sáng tác. Dù nhà cửa chật chội, ồn ào, nhưng mẹ Hương luôn nói cười vui vẻ, nhiều lúc còn tham gia vào cả những cuộc bàn luận văn thơ của chúng tôi.
Tôi may mắn nhận được rất nhiều tình cảm từ mẹ của Hương. Tiếng gọi "Thu Hương ơi! Hải Lý ơi!..." mỗi lần mẹ tạt về nhà dặn dò chuyện gì đó, rồi lại tất tả đi làm, là âm thanh thân thương, tôi sẽ không bao giờ quên. Nhưng buồn thay, khi trưởng thành, tôi chưa kịp làm được chút gì để đền đáp thì mẹ đã đi xa vì bạo bệnh.
Những cuốn sách cũ, trong đó chủ yếu là sách văn học, sách giáo khoa, sách tham khảo xếp thành mấy giá trên gác, phần lớn là do mẹ Hương tìm xin và mua lại ở các cửa hàng cũ về cho con. Đối với chúng tôi khi đó, căn gác chật chội những sách và sách ấy là cả một kho báu, một thế giới rộng lớn vô cùng. Xin suốt đời biết ơn mẹ và căn gác gỗ, nơi đầy ắp kỷ niệm yêu thương đã góp phần làm nên một nhà văn Võ Thu Hương như tôi biết.
"Cứ nghĩ đến việc tác phẩm của mình được hàng vạn học sinh biết đến, đọc và tìm hiểu là người cầm bút sẽ cảm thấy rất vui và cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa. Nhưng càng được ghi nhận thì nhà văn càng phải không ngừng tìm tòi, sáng tạo để có nhiều tác phẩm chất lượng hơn, hay hơn" - nhà văn Võ Thu Hương.
Sống và viết như con ong chăm chỉ
Võ ThuHương là người bạn, người em mà tôi luôn nhắc mình phải học tập ở cách sống giản dị, chăm chỉ, nghiêm túc, tình cảm và cực kỳ có trách nhiệm với công việc, với người khác, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Một người bạn có lần kể không thể hiểu tại sao cái máy tính cũ đến mức ấy mà Hương vẫn có thể làm việc đều đặn mỗi ngày. Tôi không lấy làm lạ, bởi tính Hương là vậy, luôn dùng đồ cũ nếu thấy còn dùng được, chứ không khao khát về những món đồ sang, đồ hiệu như chúng tôi. Mỗi lần gặp nhau, Hương còn tự hào khoe đang dùng điện thoại cũ, xe cũ, váy áo cũ… của những người thân chê không dùng nữa. Chúng tôi thường thêm chuyện vào để chọc nhau cười, nhưng sau đó đều thấy mình cần phải học tập tính giản dị, tiết kiệm của Hương.
Chuyện ăn uống, mua sắm riêng cho mình là thế, nhưng Võ Thu Hương lại luôn dành cho người khác những điều tốt đẹp nhất. Đều đặn, bạn bè vẫn nhận được những lời Hương "rủ rê" chung tay giúp đỡ một hoàn cảnh nào đó: Một người nghèo bị bệnh nặng cần tiền để chữa trị gấp; một ông cụ, bà cụ neo đơn ở gầm cầu hoặc khu ổ chuột nọ đang thiếu thốn đồ dùng, lương thực; một em sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được giúp đỡ để học tiếp,…
Trong đợt cao điểm dịch Covid-19 tại TP.HCM, Võ Thu Hương đã bằng mối quan hệ của mình kết nối, kêu gọi bạn bè ủng hộ nhiều chuyến xe rau, gạo, thực phẩm cho công nhân và bà con nghèo khu Bùi Văn Ba. Mỗi chuyến hàng đến, Hương lại cùng đội tình nguyện trong chung cư bốc vác, phân chia tận tay bà con… Kiểu sống trách nhiệm, luôn chia sẻ, quan tâm đến mọi người ấy, tôi chắc rằng Hương đã học được từ người mẹ tuyệt vời của mình. Đối với một người viết văn, đó càng là điều hết sức cần thiết. Bởi ở thời đại nào thì nhà văn cũng luôn phải "sống đã rồi hãy viết" - ý của Nam Cao.
Với riêng tôi, những dịp đến TP.HCM nhất định phải sắp xếp để gặp Võ Thu Hương, cùng ngồi ăn vài món dân dã ở quán Đo Đo xinh xắn, lang thang quán ốc bờ kè, cà phê Đường sách... Chưa lần nào tới đón tôi mà Hương quên mang mũ bảo hiểm, rồi luôn nhớ ghé tiệm hoa nào đó chọn cho được bó hoa tươi nhỏ xinh tôi thích. Nhiều khi tôi nghĩ sống giản dị, tròn đầy được như Hương đâu phải dễ!
Võ Thu Hương từ nhỏ đã rất thích đi nhiều và luôn không ngại giao lưu, tiếp xúc; không ngừng học hỏi, đọc và nghe để tích lũy chất liệu cho việc sáng tác. Đặc biệt, Hương rất xem trọng viết lách và cực kỳ nghiêm túc trong công việc. Ngoài chất liệu có sẵn từ cuộc sống của bản thân, từ thực tế nuôi dạy và lớn lên cùng con của mình… thì những năm gần đây, Võ Thu Hương dành nhiều thời gian đến các trường học để nói chuyện, giao lưu với học trò. Mục đích là để hiểu hơn về thiếu nhi, tìm kiếm nhiều hơn nữa sự đồng điệu với trẻ thơ, nhằm viết nên những tác phẩm hay hơn, phù hợp hơn với các em.
Có lẽ vì hoàn cảnh từ nhỏ đã chứng kiến cha mẹ phải lao động vất vả nên trong việc viết lách, Võ Thu Hương đặc biệt chịu khó, chăm chỉ và khổ luyện. Trước đây, Hương có gần chục năm làm báo bận rộn, nhưng vẫn viết và ra sách đều đặn. Võ Thu Hương từng viết và có những thành công với các đề tài khác nhau, như nhân vật lịch sử, đề tài gia đình và phụ nữ, các cuốn sách chấp bút cho các nhân vật nổi tiếng… Nhưng văn học thiếu nhi vẫn là đề tài đang được Hương nghiêm túc và miệt mài theo đuổi, đã có nhiều tên sách được thiếu nhi rất yêu thích như Snoopy làm tôi khóc, Góc nhỏ yêu thương, Quà của thần núi…
Khi nói về công việc viết cho thiếu nhi, đa số chúng tôi đều cho rằng cảm thấy ngày càng khó khăn vì khoảng cách thế hệ. Nhưng Võ Thu Hương thì quan niệm khác: Thiếu nhi ở thế hệ nào cũng có chung sự trong trẻo, hồn nhiên. Ở thế hệ nào, thiếu nhi cũng vẫn luôn mang trong mình trái tim tươi vui, nhân hậu, nhìn mọi sự vật đều mới mẻ. Chỉ cần người lớn chúng ta hiểu, gần gũi và yêu thương thì sẽ tìm được sự đồng điệu với các em. Đặc biệt, phía sau mỗi câu chuyện dành cho thiếu nhi phải mang một bài học nhân văn sâu sắc, phải định hướng cho các em đến những điều đúng đắn…
Vào sách giáo khoa bằng những câu chuyện gần gũi
Trong công việc viết lách, Võ Thu Hương từ khi sinh hoạt nhóm bút học trò với chúng tôi đã thể hiện là người có những tố chất của một nhà văn chuyên nghiệp.
Trước tiên, đó là thói quen ghi chép. Hương luôn ghi chép cần mẫn như một nhu cầu không thể thiếu: Những câu chuyện xảy ra, những ý tưởng mới, những câu nói hay, lạ… Thật đáng quý, thói quen ấy vẫn được duy trì đều đặn đến tận bây giờ. Tôi luôn nghĩ những cuốn sổ ghi chép, qua thời gian, sẽ không khác gì kho của cải quý đối với một người viết văn.
Đó là những câu chuyện tiêu biểu, với lối viết giàu cảm xúc, tự nhiên, gần gũi như chính cuộc sống, tiếng nói, tâm hồn của trẻ thơ và cả người lớn chúng ta. "Trong giấc mơ, Nguyên thấy mình và Thảo tình cờ gặp đám mây đang nằm ngủ trên đỉnh núi. Hai bạn nhẹ nhàng leo lên và nghĩ rằng đám mây sẽ cõng mình lên trời". Nhưng khi ở trên trời, 2 bạn lại nói với nhau về những cảnh vật bên dưới: Cánh đồng lúa vàng, mặt biển xanh mênh mông. Cuối cùng thì Thảo nói: "Ôi tớ đói, tớ thèm bữa cơm chiều mẹ nấu quá!" (Quê mình đẹp nhất).
Một cô bé mắc lỗi làm gãy cành hoa quý, cô bé mơ ước có "ông bụt cứu con". Nhưng ông bụt không ở đâu xa, chính là một người lớn biết thông cảm, sẻ chia những âu lo, sai lầm của con trẻ.
Hoặc: "Con muốn làm một cái cây. Con muốn làm một cái cây trong sân nhà cũ của con. Con muốn luôn bên đám bạn leo trèo mùa ổi chín và nhìn thấy ông của con ngồi mỉm cười hiền lành…" (Con muốn làm một cái cây). Hoặc câu chuyện hết sức dễ thương và xúc động kể về những suy nghĩ, tình cảm và cuộc giải cứu một em gấu bông cũ rách bị ai đó vứt ngoài đường vào một buổi chiều mưa to gió lớn mà nhân vật bé Su đi học về bắt gặp (Chỉ là một em gấu đi lạc)…
Những câu chuyện hết sức gần gũi, giản dị với lời văn gọn, đẹp, giàu cảm xúc ấy sẽ góp phần hướng học sinh đến một cuộc sống biết yêu thương, quan tâm đến những điều gần gũi, biết ước mơ và hành động đúng đắn… Đồng thời, cũng giúp thầy cô giáo, các bậc phụ huynh được sống chậm lại để lắng nghe, để thêm hiểu tâm hồn của trẻ thơ, để đồng cảm, lớn lên cùng con em mình.
Các tác giả biên soạn bộ sách Chân trời sáng tạo đã thể hiện tư duy đổi mới qua việc phát hiện và chọn lọc những tác phẩm của lứa tác giả trẻ như Võ Thu Hương để đưa vào sách giáo khoa, bên cạnh các nhà văn nhà thơ tên tuổi lâu nay.
Đây là một điều đáng ghi nhận. Bởi thế hệ tác giả trẻ cũng có những… lợi thế riêng là họ đang sống cùng lứa tuổi học sinh bây giờ, họ viết ra những tác phẩm trong đó mang hơi thở hiện tại, những suy nghĩ, cuộc sống, mơ ước của chính con cháu mình và nhìn rộng ra là của trẻ em thời nay. Những tác phẩm ấy chắc chắn sẽ đem đến sự tươi mới cho sách giáo khoa và dễ dàng được học sinh tiếp nhận, khám phá một cách hứng thú.
Chính cách sống và viết hết lòng cùng với quan niệm nghiêm túc về nghề và tài năng văn chương vốn có đã làm nên một Võ Thu Hương luôn bền bỉ trên con đường sáng tác. Tôi vẫn nghĩ rằng mỗi người có thể làm được nhiều công việc khác nhau, nhưng với trường hợp Võ Thu Hương thì dường như sinh ra là để làm nhà văn và chỉ phù hợp nhất với công việc viết văn. Chính Võ Thu Hương cũng tâm sự như thế, chỉ khi viết văn Hương mới cảm thấy mình tự tin nhất, vui nhất, hạnh phúc nhất.
Võ Thu Hương quê ở Nghệ An, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là Chánh văn phòng Hội Nhà văn TP.HCM. Thuộc thế hệ 8X, đến nay Võ Thu Hương đã có 15 đầu sách riêng được xuất bản, hơn 2/3 trong số này là các tác phẩm dành cho thiếu nhi.