Bác sĩ mổ tách cặp song sinh Việt - Đức qua đời
Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Văn Tần, một trong những bác sĩ mổ chính ca tách cặp song sinh Việt Đức đầu tiên Việt Nam, qua đời ngày 4/9 do tuổi cao sức yếu.Hưởng thọ 92 tuổi.
Giáo sư Văn Tần nguyên là phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân - một trong những cơ sở y tế đầu ngành về ngoại khoa tại TP Hồ Chí Minh. Ông là thầy của nhiều thế hệ bác sĩ, được học trò yêu mến gọi là "đại đao" bởi đường dao mổ tài hoa, tinh tế, tham gia rất nhiều cuộc đại phẫu phức tạp, đi đầu trong nhiều kỹ thuật, từng được tôn vinh bác sĩ phẫu thuật động mạch giỏi nhất Việt Nam.
Ông sinh ở Quảng Trị, gắn bó Bệnh viện Bình Dân từ năm 1972 đến nay, với hàng chục nghìn cuộc mổ lớn nhỏ. Từ khi về hưu, ông vẫn là cố vấn chuyên môn, luôn có mặt ở đơn vị rất sớm, đến thăm người bệnh, miệt mài truyền giảng kiến thức đến học trò, hướng dẫn luận văn cho các bác sĩ, đại diện Bệnh viện Bình Dân cho hay.
Ông từng tham gia ca mổ huyền thoại tách cặp song sinh Việt - Đức, cùng trưởng kíp mổ Trần Đông A và những bác sĩ hàng đầu thời bấy giờ như Trần Thành Trai, Võ Văn Thành, Lê Kính... Cuộc đại phẫu kéo dài 15 giờ năm 1988, được sự quan tâm của báo chí thế giới, giúp hai anh em Việt - Đức vốn chung nhau phần bụng chậu, bộ phận sinh dục, hậu môn, được sống đời độc lập. Ca mổ trở thành mốc son trong lịch sử y học Việt Nam, được ghi danh vào sách kỷ lục Guinness thế giới 1991.
Việt trong tình trạng thực vật nhưng vẫn sống thêm 19 năm sau mổ với sự chăm sóc của y bác sĩ Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ. Nguyễn Đức lớn lên trở thành nhân viên Làng Hòa Bình, lập gia đình và có 2 con sinh đôi, là điều chưa từng có trong lịch sử y khoa thế giới.
Trả lời phóng viên chiều 4/9, anh Nguyễn Đức cho biết rất buồn và đau lòng khi hay tin giáo sư Tần qua đời. Năm 2017, anh nhập Bệnh viện Bình Dân nhiều lần để mổ tạo hình niệu quản, được giáo sư Tần tham gia cố vấn, hỗ trợ điều trị.
"Nếu không có thầy Tần và các y bác sĩ, tôi không thể có hình hài và cuộc sống như hôm nay", anh Đức nói.