Làm gì để thực hiện tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã? Bài cuối: Sắp xếp nhân sự thấu đáo
Việc sắp xếp công chức, cán bộ khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã tác động lớn đến hệ thống chính trị ở cơ sở bởi sẽ có dôi dư.
Sắp xếp giai đoạn trước vẫn còn dôi dư
Sau gần 4 năm thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã Thanh Bính, Hợp Đức, Trường Thành, hiện xã Thanh Quang (Thanh Hà) là xã loại 2 vẫn dôi dư 6 cán bộ, công chức. Cơ cấu cán bộ của xã hiện cũng chưa đúng theo quy định hiện nay khi có 2 Phó Bí thư Đảng ủy, 2 Phó Chủ tịch UBND xã. Việc chưa sắp xếp được cán bộ, công chức dôi dư ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của họ, nhất là đối với những cán bộ còn thời gian công tác dài.
“Với những người khi đang làm cấp trưởng ở xã cũ mà xuống cấp phó sau sáp nhập, nếu không được sắp xếp, bố trí công việc kịp thời sẽ ảnh hưởng đến động lực phấn đấu của cán bộ. Việc cơ cấu lãnh đạo xã chưa đúng quy định cũng hạn chế việc phát huy năng lực của cán bộ, thậm chí có thể gây khó khăn trong chi trả tiền lương, chế độ sau này”, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Thanh Quang cho biết.
Theo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chậm nhất 5 năm kể từ ngày thành lập đơn vị hành chính thì số lượng lãnh đạo, quản lý và công chức ở đơn vị hành chính mới phải bảo đảm theo quy định. Hiện nhiều địa phương trong tỉnh vẫn chưa hoàn thành việc sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021. Điển hình như huyện Ninh Giang còn 18 trường hợp. Lãnh đạo một số địa phương đang băn khoăn khi hết thời hạn 5 năm thì những cán bộ, công chức vẫn dôi dư ở địa phương sẽ được giải quyết theo phương án nào?
Hiện đã có nhiều nơi ở Hải Dương tạm dừng bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng công chức cấp xã để thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Tuy nhiên, nhiều cán bộ, công chức cho rằng cùng với thực hiện theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế, Hải Dương cần có cơ chế hỗ trợ riêng, khuyến khích hơn với những người nghỉ việc trước tuổi như một số tỉnh Thanh Hóa, Bắc Ninh, Quảng Ninh… để tạo thuận lợi hơn trong sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức dôi dư.
Năm 2019, thị trấn Cẩm Giang (Cẩm Giàng) được thành lập trên cơ sở sáp nhập thị trấn Cẩm Giàng với xã Kim Giang. Để đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, dự kiến thị trấn Cẩm Giang sẽ tiếp tục sáp nhập với xã Thạch Lỗi trong giai đoạn 2023-2025 và dôi dư gần 20 cán bộ, công chức.
Ông Nguyễn Viết Huấn, Phó Trưởng Phòng Nội vụ huyện Cẩm Giàng kiến nghị: "Cùng với có cơ chế riêng, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư nghỉ, chuyển công tác, tỉnh cũng cần ban hành, hướng dẫn sớm việc thực hiện chủ trương này để những người dôi dư có điều kiện nghiên cứu, đăng ký nguyện vọng. Việc triển khai sớm vừa tạo thuận lợi cho sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, vừa giúp công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận sẽ thuyết phục hơn".
Hiện xã Hồng Phong (Thanh Miện) là địa phương thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Diên Hồng và Tiền Phong không còn công chức dôi dư. Theo đồng chí Phạm Ngọc Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, muốn giải quyết sớm được vấn đề này rất cần sự quan tâm của cấp huyện trong luân chuyển, điều động công chức giữa các xã, thị trấn, trong đó có việc tạo điều kiện để cán bộ chuyên trách chuyển ngạch sang công chức, tạo thuận lợi sắp xếp cán bộ.
Chọn đúng cán bộ
Việc thành lập các đơn vị hành chính mới trên cơ sở sáp nhập các đơn vị cũ sẽ khiến tổ chức bộ máy, cán bộ bị thay đổi. Thực tế cho thấy, ở không ít đơn vị hành chính cấp xã mới thành lập thường xảy ra những vấn đề xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ khá phức tạp. Điển hình là thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang). Sau khi sáp nhập xã Tráng Liệt và thị trấn Kẻ Sặt, tại địa phương thường xuyên phát sinh đơn thư tố cáo do chính lãnh đạo ở địa phương cũ là nguyên đơn. Lãnh đạo ở đây liên tục có những biến động. Ông Quách Văn Hưng, Chủ tịch HĐND thị trấn (nguyên Chủ tịch UBND xã Tráng Liệt cũ) bị bãi nhiệm, khai trừ đảng và sau đó bị khởi tố về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ xảy ra tại xã Tráng Liệt.
Tháng 3/2022, ông Hưng bị bãi nhiệm, song đến nay thị trấn Kẻ Sặt vẫn chưa kiện toàn được chức danh Chủ tịch HĐND thị trấn với nguyên nhân chính là do mất đoàn kết nội bộ. Tháng 7 vừa qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Giang đã kỷ luật khiển trách Đảng ủy thị trấn Kẻ Sặt vì chưa hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo; để một số Đảng ủy viên, đảng viên không chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, nói không đi đôi với làm dẫn đến chưa kiện toàn chức danh Chủ tịch HĐND thị trấn nhiệm kỳ 2021-2026. Cùng với việc đã điều động Bí thư Đảng ủy thị trấn, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Giang cũng đang thực hiện các bước để điều động Chủ tịch UBND thị trấn đến đơn vị khác.
Dù chưa hết nhiệm kỳ nhưng ở một số đơn vị hành chính cấp xã mới thành lập, một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cũng đã được thay đổi do phát sinh những vấn đề xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ.
Để làm tốt công tác tổ chức, sắp xếp cán bộ khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trong tỉnh, theo đồng chí Trịnh Ngọc Thành, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương, các cấp ủy cần chú trọng đánh giá, phân loại cán bộ; công tâm, minh bạch lựa chọn cán bộ thực sự đủ năng lực, uy tín để giao nhiệm vụ, ứng cử các chức danh lãnh đạo ở đơn vị hành chính mới. “Việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tập thể lãnh đạo đơn vị hành chính mới cần quan tâm, xem xét xây dựng cơ cấu cân bằng, đan xen giữa các đơn vị cũ. Nhưng quan trọng nhất vẫn là lựa chọn được cán bộ có phẩm chất, uy tín và không nhất thiết là người ở các địa phương cũ", Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trịnh Ngọc Thành nhấn mạnh.