Không tăng tuổi nghỉ hưu để thu hút người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Giai đoạn vừa qua, mỗi năm cả nước chỉ thêm 9.000 người hưởng lương hưu từ việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Do đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang đề xuất thêm các chính sách để thu hút người dân tham gia, mở rộng lưới an sinh xã hội.
Chưa tạo sức hút do thời gian đóng dài
Theo Bộ LĐTBXH, giai đoạn 2016 - 2021, nước ta có hơn 54.000 người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ điều kiện nghỉ việc hưởng lương hưu. Như vậy, mỗi năm có thêm 9.000 người hưởng lương hưu từ loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định chế độ hưu trí của bảo hiểm xã hội tự nguyện liên thông với chính sách bảo hiểm bắt buộc thông qua việc quy định điều kiện hưởng lương hưu, cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu và mức bình quân tiền lương, thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm giống nhau. Thời gian đóng bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc được cộng dồn.
Theo Bộ LĐTBXH, điều này tạo điều kiện cho người lao động linh hoạt, tiện lợi chuyển đổi giữa 2 loại hình bảo hiểm xã hội phù hợp với quan hệ lao động, nhu cầu và khả năng tài chính của mỗi người.
Tuy nhiên, thời gian qua, theo đánh giá của Bộ, ngành, cơ quan có liên quan thì chính sách chưa đủ tính hấp dẫn do chưa có các chế độ ngắn hạn như với bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Bên cạnh đó, nhiều lao động phản ánh, quy định phải đóng đủ bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên mới đủ điều kiện hưởng lương hưu là quá dài. Điều đó khiến nhiều người lao động không đủ động lực để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Để tăng tính hấp dẫn cho bảo hiểm xã hội tự nguyện, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã bổ sung quy định chuyển tiếp liên quan tới người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước khi luật mới có hiệu lực (dự kiến từ 1/7/2025).
Theo đó, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ trước ngày luật này có hiệu lực thi hành và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
Khi nghỉ hưu ở tuổi này, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu như với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi.
Bộ LĐTBXH lý giải, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu khi có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi nghỉ hưu. Trong khi đó, Bộ luật Lao động năm 2019 đề ra lộ trình tăng dần tuổi nghỉ hưu, để lao động nữ làm đến 60 tuổi (tăng 5 tuổi), lao động nam đến 62 tuổi (tăng 2 tuổi) mới được nghỉ hưu. Theo đó, điều kiện thời gian chờ để được hưởng lương hưu cũng tăng dần.
Do đó, để vừa đảm bảo phù hợp với định hướng tăng tuổi nghỉ hưu chung, dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã bổ sung quy định chuyển tiếp với những trường hợp người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được hưởng nguyên điều kiện tuổi hưởng lương hưu như trên.
Tăng tính hấp dẫn cho bảo hiểm xã hội tự nguyện
Nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, ngoài đề xuất thay đổi về điều kiện hưởng lương hưu như trên, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đề xuất bổ sung chế độ thai sản với đối tượng này.
Theo đó, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con, nếu đáp ứng điều kiện đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, thì được hưởng trợ cấp với mức 2 triệu đồng cho một người con.
Chế độ trợ cấp thai sản của bảo hiểm xã hội tự nguyện do ngân sách nhà nước đảm bảo, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành.
Thẩm tra nội dung này trong dự thảo luật, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá, quy định trợ cấp thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở mức 2 triệu đồng là chưa phù hợp với thực tế. Do đó, để thu hút người lao động sớm tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội, cơ quan này đề nghị Chính phủ nghiên cứu nâng khoản hỗ trợ này lên mức phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, để khuyến khích người lao động ở khu vực phi chính thức và lao động di cư tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Ủy ban Xã hội cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo luật tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế đối với các chế độ trợ cấp cho trẻ em là con người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như: giảm giá/miễn phí tiêm chủng, hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho trẻ đang trong độ tuổi đến trường...
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết năm 2022, cả nước có hơn 1,46 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 1% so với năm 2021.