Nghĩ về đổi mới công tác dân vận ở Hải Dương
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết của Trung ương về công tác dân vận, Hải Dương đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Năm 2023 là tròn 10 năm đánh dấu sự ra đời của một nghị quyết quan trọng về công tác dân vận. Đó là Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3.6.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
Tại tỉnh Hải Dương, ngày 20.8.2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 37 - CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW. Tất cả các Huyện, Thị, Thành uỷ cũng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW. Từ năm 2013 đến hết năm 2022, cấp uỷ các cấp trong tỉnh Hải Dương đã ban hành 1.214 văn bản cụ thể hoá, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW.
Nhìn lại 1 thập kỷ thực hiện Nghị quyết số 25 - NQ/TW, có thể thấy nhận thức về vai trò, trách nhiệm đối với công tác dân vận trong tình hình mới từng bước được nâng lên. Các cấp ủy, chính quyền ở Hải Dương đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác dân vận gắn với nhiệm vụ cụ thể ở địa phương, đơn vị. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận được đổi mới theo hướng dân chủ, dựa vào dân, chịu sự giám sát của nhân dân, phát huy mạnh mẽ vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân. Chính quyền các cấp trong tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho nhân dân. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” diễn ra sôi nổi ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị…
Những kết quả của công tác dân vận góp phần quan trọng để tỉnh Hải Dương thực hiện tốt các nhiệm vụ, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác dân vận của hệ thống chính trị trong tỉnh Hải Dương cũng còn một số khó khăn, hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu chưa nhận thức đúng về công tác dân vận, thậm chí có biểu hiện xem nhẹ. Phương thức lãnh đạo của một số cấp ủy đảng về công tác dân vận chậm đổi mới. Có lúc, việc nắm bắt, dự báo tình hình nhân dân chưa kịp thời. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị làm công tác dân vận có lúc chưa chặt chẽ. Hoạt động của khối dân vận cơ sở, tổ dân vận thôn, khu dân cư chưa đa dạng. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở một số nơi còn mang tính hình thức. Một số vấn đề bức xúc của nhân dân chưa được giải quyết dứt điểm...
Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Trong “Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Đó là những lời chỉ dạy rất sâu sắc, thiết thực đối với mỗi cán bộ, đảng viên khi làm công tác dân vận.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh Hải Dương cần tiếp tục thấu triệt các quan điểm nêu trong Nghị quyết số 25-NQ/TW và những lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận. Nói ngắn gọn thì những tư tưởng đó thể hiện rõ tư tưởng cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ. Mọi quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải phù hợp với lợi ích của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu để nhân dân tin tưởng, noi theo. Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Động lực thúc đẩy phong trào nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân…
10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW tại tỉnh Hải Dương cũng mang đến một số bài học kinh nghiệm quý. Đó là công tác dân vận phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên trong triển khai, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về thực hiện công tác dân vận. Thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, phương thức hoạt động với các hình thức đa dạng, phong phú. Lấy hiệu quả công việc, sự hài lòng của nhân dân làm thước đo để đánh giá hiệu quả thực hiện công tác dân vận. Chú trọng lựa chọn cán bộ có chuyên môn, trình độ chuyên trách làm công tác dân vận, đoàn thể. Chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề phức tạp, nổi cộm ngay từ cơ sở...
Những bài học quan trọng đó cần được quan tâm kế thừa, áp dụng phù hợp để tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận trong thời gian tới, góp phần khơi dậy sức mạnh to lớn của nhân dân, xây dựng tỉnh Hải Dương phát triển, văn minh.