6 bước đánh mất tình yêu
Sau khi kết thúc một mối quan hệ trong đau khổ, nhiều người bối rối tự hỏi "Chúng ta từng hạnh phúc như vậy, sao lại đến nước này?'.
Có vẻ rất ít người có thể trả lời câu hỏi này một cách cụ thể. Nhưng trên thực tế, quả thực có dấu vết của sự biến mất tình yêu.
Dưới đây là 6 bước của quá trình này.
Sự khác biệt xuất hiện
Chậu nước lạnh đầu tiên trong giai đoạn yêu nhau say đắm thường xuất phát từ sự "khác biệt". Suy cho cùng, càng ở bên nhau lâu, bong bóng hoàn hảo do dopamine và endorphin tạo ra sẽ dễ bị chọc thủng.
Cụ thể, có một số khác biệt cần đặc biệt chú ý như dự định tương lai, đầu tư cho sự nghiệp, khác biệt trong suy nghĩ. Những khác biệt này lần lượt hướng đến những mục tiêu trong cuộc sống, kế hoạch tương lai, giá trị, niềm tin và thẩm mỹ. Đó là những câu hỏi sẽ thực sự làm rung chuyển mối quan hệ.
Mặc dù chúng ta coi những khác biệt này là khởi đầu cho sự biến mất của tình yêu, trên thực tế có thể khắc phục được những tổn hại của nó với mối quan hệ. Điều quan trọng là phải xem hai bạn xử lý những khác biệt này thế nào.
Nếu không có khả năng giao tiếp và chấp nhận khác biệt, rạn nứt sẽ thực sự bắt đầu.
Thất vọng
Nếu những khác biệt không thể được hàn gắn và điều chỉnh, sự thất vọng sẽ xảy ra. Mọi thất vọng đều xuất phát từ kỳ vọng không đúng với thực tế mối quan hệ. Đôi khi, sự thất vọng cũng đến từ những kỳ vọng không thực tế ở đối phương, ví dụ mong đợi một người chồng vừa giỏi kiếm tiền lại đảm việc nhà hay hy vọng vợ chồng không bao giờ cãi vã.
Thực ra, sự thất vọng đôi khi chính là độ sâu của tình yêu. Suy cho cùng, nếu không yêu thương và tin tưởng nhau nhiều, sẽ không có nhiều kỳ vọng, mộng tưởng.
Thất vọng không hẳn là điều xấu, ngược lại, chúng ta cần hiểu rằng đây là tất yếu. Đồng thời, nếu bạn luôn cảm thấy đối phương không thể đáp ứng được kỳ vọng của mình, bạn cũng có thể tự hỏi: "Đổi lại mình có thể làm được những điều này không?". Hãy cố trưởng thành, khoan dung trong những hoàn cảnh này, bạn có thể giúp tình yêu lành mạnh hơn.
Nhạt nhẽo
Khi hai người tiếp tục yêu nhau, sau một thời gian, đầu tiên họ sẽ cảm thấy thất vọng, sau đó rất có thể sẽ cảm thấy "niềm đam mê nhạt dần".
Đây là bản chất của con người, những hoạt động lãng mạn quá thường xuyên, ở bên nhau quá lâu, không còn tò mò về nhau... sẽ khiến con người quen với sự thân mật, từ đó làm giảm hứng thú và ham muốn đối với đối phương. Nó sẽ thể hiện ở cảm giác đối phương không còn nhiều khoảnh khắc làm bạn ngạc nhiên, bớt tán gẫu, bớt những nụ hôn và cả những cái nắm tay, âu yếm.
Những điều như "hãy quên đi người kia tốt như thế nào và họ từng hạnh phúc như thế nào" thường bắt đầu xảy ra trong giai đoạn nhàm chán. Vì vậy, nếu bạn vẫn sẵn sàng chủ động tạo ra những kỷ niệm, trải nghiệm khác biệt, tích cực trong mối quan hệ dần đi vào sáo mòn, rất có thể bạn sẽ đánh thức lại những ký ức hạnh phúc và tươi mới. Đó là lý do tại sao nhiều cặp đôi thường đi hẹn hò riêng không có con cái.
Chán ghét
Chán ghét sẽ khiến mọi người khó nhận ra sự tốt đẹp của đối tác. Theo dòng chảy thời gian, có thể đến một lúc có nhiều người nghĩ "Có phải ngay từ đầu tôi đã bị mù?"
Việc mất thêm ham muốn tình dục cũng như sự phản kháng và thờ ơ với việc tiếp xúc thân mật cũng là kết quả và biểu hiện của sự chán nản. Nguyên nhân mất ham muốn tình dục có thể rất phức tạp, có nhiều cách giải thích từ đời sống, sinh lý, tâm lý, khi điều này xảy ra có thể càng làm tăng thêm cảm xúc chán người bạn đời.
Trong tâm trạng chán nản, trước khi làm điều gì đó trực tiếp cho mối quan hệ, bạn cần điều chỉnh lại tâm lý của mình trước. Trước hết đừng để sự tiêu cực lấn át. Hãy chừa lại một chút không gian cho nhau. Mọi người luôn nghĩ rằng giao tiếp thẳng thắn có thể giải quyết mọi xung đột, nhưng đôi khi, không thúc ép nhau và cho người kia khoảng trống sẽ hữu ích hơn. Khi tự mình suy nghĩ, có thể chúng ta sẽ xử lý được các cảm xúc tiêu cực. Một khi bạn đã sẵn sàng, hãy trò chuyện.
Dán nhãn đối phương
Sau một thời gian dài bất đồng, thất vọng, chán nản, một số người sẽ chấp nhận thực tế và rút ra kết luận "không còn chung lối". "Không còn chung lối" có khả năng là người kia đã phát triển theo hướng khác mục tiêu ban đầu. Có khả năng do sự coi thường lựa chọn và theo đuổi của nhau.
Điều thứ nhất có nhiều khả năng sẽ đưa mối quan hệ của bạn trở thành một mối quan hệ mới, ổn định hơn. Chúng ta khác nhau, không có tia lửa, nhưng chúng ta vẫn có thể chung sống. Điều sau có thể khiến cả hai người có thể đau khổ hơn.
Tiến sĩ Andrea Bonior, nhà tâm lý học lâm sàng (Đại học Georgetown, Mỹ) tin rằng sự "chấp nhận" này là một cảm xúc tiêu cực cho các mối quan hệ hơn là sự thất vọng và cãi vã.
"Điều này có vẻ kỳ lạ nhưng chiến tranh lạnh là một dấu hiệu xấu. Một số cặp đôi trở nên kiệt sức vì tranh cãi đến mức họ dừng lại. Họ hoàn toàn ngừng chia sẻ mọi thứ với nhau và không có khả năng đưa ra bất kỳ khác biệt chính thức nào. Khi cả hai đều chấp nhận rằng không thể đồng ý về bất cứ điều gì, đó là dấu hiệu đáng tiếc cho tương lai của mối quan hệ", tiến sĩ Andrea Bonior nói.
Nếu bạn trở nên tê liệt trước những khác biệt và coi thường những lựa chọn cũng như theo đuổi của người khác, bạn sẽ khó có được sự hài lòng mới từ mối quan hệ. Khi gặp một người phù hợp với mình một chút, bạn có thể cảm thấy bị cám dỗ vì cho rằng người đó tốt hơn vợ/chồng mình. Sự chung thủy với mối quan hệ có thể bị suy giảm rất nhiều bởi cả hai bên và việc lừa dối luôn xảy ra trong tình huống này.
Đã đến mức độ này này, dường như không còn nhiều điều lãng mạn nữa, nhưng vẫn có một số điều đơn giản có thể lật ngược tình thế. Ví dụ, nếu "nhìn thấy đường đi của nhau" nhiều hơn, các bạn có thể mở rộng tầm nhìn và đón nhận những điều bất ngờ mới. Quan trọng hơn, chỉ bằng cách này các bạn mới có thể hiểu nhau hơn.
Tất nhiên, thỉnh thoảng bạn cũng nên bỏ qua những khác biệt của mình và nói về phần còn lại của tình yêu. Tiến sĩ Andrea Bonior cho rằng, có sự khác biệt không có nghĩa là không có tình yêu mà tình yêu đó sẽ dần bị bào mòn bởi sự khác biệt.
Tan vỡ
Nếu không thể ngăn chặn mọi bước xảy ra, tiếp theo có thể là tuyệt vọng, sụp đổ, và cuối cùng là chia ly.
Nếu đã ở trong quá trình này, bạn không cần quá lo lắng. Bạn thấy đấy, tổng cộng có 6 bước, tức là bạn có ít nhất 6 cơ hội để thay đổi. Nếu ở mỗi ngã ba đường, bạn đã nỗ lực nhưng cuối cùng vẫn không thể ngăn cản điều đó xảy ra thì có nghĩa thực sự không phù hợp. Lúc này bạn sẽ không nuối tiếc nữa.