Tản văn

Bồi hồi tiếng trống khai trường

NGỌC THANH 05/09/2023 06:35

Mỗi mùa tựu trường luôn nhắc nhớ về mẹ. Và đàn con lớn khôn theo tiếng trống khai trường!

Đã chia xa bàn gỗ, cây phượng già và mái trường yêu dấu nhiều năm, nhưng giờ đây, mỗi khi nghe tiếng trống khai trường, lòng tôi lại bồi hồi xốn xang bao nỗi nhớ. Những năm tháng học trò đã qua, bao kỷ niệm buồn vui, ngọt ngào tựa hồ như đang ùa về cùng tiếng trống trường...

Ngày ấy, mẹ dắt tay tôi đến trường trong ngày khai giảng đầu tiên. Con đường làng nhấp nhô gạch đất. Đôi dép tổ ong mới tinh mẹ vừa sắm cho để đón năm học mới. Lần đầu đi bộ và đi xa đến thế. Sợ dép bẩn nên tôi len lén lùi lại phía sau để xách dép lên và đi chân trần. Đôi chân vì thế mà lấm lem đất cát. Mẹ lắc đầu chỉ xuống cầu ao bên đường bảo tôi rửa chân cho sạch và đi dép vào, phải chỉn chu, sạch sẽ mới được đến trường. Ký ức ngày đầu tiên đi học chỉ còn có vậy vì ngày ấy tôi còn quá bé và thời gian đã lùi quá xa. Đó cũng là câu chuyện mẹ hay kể lại mỗi khi nhà có thêm đứa cháu vào lớp 1 nên tôi mãi nhớ!

Sau này, lớn hơn chút nữa tôi mới hiểu được nỗi vất vả của mẹ, của cha để lo cho đàn con ăn học. Mỗi lần chuẩn bị vào năm học mới, nếu không xin được sách cũ nhà ai đó thì mẹ lại "cắn răng" mang vài thúng thóc đi bán mua sách mới cho các con. Bán thóc nghĩa là lúc giáp hạt, mẹ sẽ phải chạy đôn chạy đáo vay mượn thêm người thân, xóm giềng để các con không bị đứt bữa.

Biết mẹ bận chuyện đồng áng, các con bảo nhau đi xin giấy lót bao xi măng mang về lau sạch để bọc sách vở. Cũng đo đo, cắt cắt, rồi bọc lại gọn gàng. Những quyển sách, quyển vở bọc xong cùng một màu vàng xỉn của vỏ bao xi măng nhưng phẳng phiu, sạch đẹp. Để những quyển sách thêm chắc chắn, mẹ đục mỗi quyển 3 lỗ và lấy dây dù khâu lại ở phần gáy. Ngày ấy, có sách có vở đến trường là vui lắm rồi, đâu đã biết lựa chọn xấu hay đẹp.

Vào năm học mới, chúng tôi cũng không mè nheo mẹ mua quần áo mới. Bởi đêm về mẹ vẫn hay thở dài lo lắng. Nhưng rồi nhất định mẹ cũng sẽ kiếm được cho mỗi đứa một bộ để diện trong ngày khai trường. Những bộ quần áo mới may luôn thùng thình, to hơn người. Mẹ bảo, may rộng một chút để sau này lớn lên còn mặc được vài năm cho đỡ phí. Chỉ là mỗi khi đông sang thì không phải năm nào mẹ cũng có thể mua được đủ quần áo ấm cho đàn con. Đôi chân trần đi dép tổ ong năm này qua năm khác, lúc nào cũng đỏ au buốt lạnh. Mỗi buổi tan trường, đứa nào cũng chạy thật nhanh về cho bớt lạnh. Chiếc áo len mặc từ tấm bé cứ cộc dần, cộc dần mà vẫn mặc. Hai khuỷu tay mài xuống bàn học, lâu dần len đứt hết, 2 lỗ thủng cứ ngày một to. Con sẽ mặc áo sơ mi mẹ may cho dịp khai giảng ở ngoài che đi chiếc áo len cộc cũn cỡn và hai lỗ thủng ở khuỷu tay ấy để đi qua những mùa đông lạnh giá thuở ấu thơ. Ngày nào đi học về, các con cũng ùa vào lòng mẹ cời bếp rạ ấm nồng...

Năm tháng cứ qua đi. Mỗi mùa tựu trường luôn nhắc nhớ về mẹ. Và đàn con lớn khôn theo tiếng trống khai trường!

NGỌC THANH