Người quen năm ấy
Ông Hải thấy lòng mình thanh thản, hạnh phúc. Ông vui bởi việc làm của mình đã thắp lên cho một con người lầm lỡ ngọn lửa nồng ấm tình người.
Dự xong đám cưới con trai người bạn, ông Hải chào mọi người rồi dắt chiếc xe Cub 82 ra nổ máy. Từ TP Thái Bình về TP Hải Đông có nhiều đường nhưng ông Hải chọn con đường ngắn nhất tuy hơi nhỏ và khó đi một chút. Đang đi chợt tay lái đảo mạnh. Xe bị thủng săm.
Ông dắt xe đi một quãng xa thì thấy có cửa hàng bơm vá. Chủ quán là hai vợ chồng trạc tuổi ông Hải. Ông ta nhìn ông Hải một lúc rồi thốt lên:
- Xin lỗi, ông là Hải, công an bên Hải Đông?
Ông Hải ngạc nhiên, hỏi lại:
- Ông là ai? Sao lại biết tôi?
Người đàn ông giọng trầm hẳn:
- Tôi là Vĩnh, Nguyễn Văn Vĩnh. Còn đây là Huệ, vợ tôi. Chúng tôi mang ơn nhờ cái lệnh “không được bắn” của ông trong cái đêm định mệnh.
Ông Hải giật mình chợt nhớ ra. Ông chăm chú nhìn như so sánh xem anh chàng Vĩnh năm xưa với người đàn ông mang tên Vĩnh hôm nay. Quả là khác biệt rất nhiều. Thì ra thời gian không lấy đi của ai bất cứ thứ gì. Chỉ cần chạm nhẹ lập tức tất cả hiện lên nguyên hình nguyên trạng. Đã 28 năm, một phần ba đời người vụt trôi.
*
Ngày ấy Hải 24 tuổi, cấp bậc thiếu úy, được cấp trên phân công về làm cảnh sát khu vực hai khu dân cư số 1 và 2 thuộc phường Bình Yên, TP Hải Đông. Ngày về nhận địa bàn, ông trưởng phường căn dặn: “Đó là một khu vực rất phức tạp cả về địa lý lẫn con người. Bình Yên mà chẳng bình yên chút nào. Nhưng cậu đừng lo. Phường sẽ tổ chức hai khu của cậu với bốn khu nữa thành liên khu. Ba người phụ trách 6 khu dân cư, cùng giúp nhau mỗi khi có sự vụ. Này, phải thật chú ý đến thằng Vĩnh nhé”.
Nguyễn Văn Vĩnh, 23 tuổi, con trai bà Tú, sinh sống tại khu dân cư số 2. Bà Tú hiền lành, chăm chỉ. Hằng ngày dù mưa hay nắng bà vẫn đẩy cái xe cải tiến đi bán hoa quả. Bà tùng tiệm, chắt chiu từng đồng nuôi con học hết phổ thông. Năm 37 tuổi, do lầm lỡ nên bà sinh ra thằng Vĩnh. Bà coi thằng Vĩnh như cục vàng mười. Nó muốn gì được nấy. Thằng Vĩnh trở thành một đứa trẻ tham lam và ích kỷ. Vừa học xong phổ thông, Vĩnh đã nhận ngay cái án một năm tù vì tội trộm cắp. Mãn hạn tù nó mất tăm mất dạng. Ai hỏi thì bà Tú bảo nó vào Nam tìm việc. Chừng hai năm sau thằng Vĩnh trở về với cái biệt danh “vua móc túi”. Trong giới trộm cắp đồn thổi về tài lấy trộm đồ của nó như huyền thoại. Rất nhiều đàn bà, con gái cổ quàng dây chuyền, tay đeo lắc, các ngón tay đầy nhẫn vàng mà mất lúc nào không biết. Cảnh sát khu vực, công an phường đều biết nhưng trước mặt mọi người nó là một thanh niên ngoan hiền. Nó tinh ranh như con mèo đã hóa cáo.
Ngày đầu Hải về địa bàn mình phụ trách trong hoàn cảnh như thế. Gặp Vĩnh, Hải hỏi:
- Độ này anh Vĩnh có việc làm chưa? Nếu chưa, tôi giới thiệu cho một nơi làm ổn định.
Vĩnh nhìn Hải như đánh giá đối tượng, tuy vậy hắn vẫn lễ phép thưa:
- Dạ, thưa anh, em làm bốc vác ngoài bến xe ạ.
- Công việc có bảo đảm cuộc sống không? - Hải hỏi tiếp.
Hắn cười nhạt:
- Biết thế nào là đủ ạ.
Nhìn mái lợp bằng giấy dầu của nhà Vĩnh, Hải nói tiếp:
- Mùa mưa bão đến rồi, chắc gì cái mái này chịu nổi.
- Dạ, em cũng biết thế nhưng hoàn cảnh còn khó khăn quá.
Hải nghiêm giọng nói:
- Tôi biết có ngày trong tay anh rất nhiều tiền, sao lúc đó không sửa? Anh đang cường tráng có thể chịu đựng được thời tiết nóng lạnh thất thường, nhưng mẹ anh sao trụ nổi.
Nhắc đến mẹ, lòng Vĩnh như chùng xuống. Hắn tỏ ra hối lỗi. Hắn hứa với Hải tháng sau sẽ sửa lại. Nhưng rồi một năm trôi qua cái mái nhà vẫn nguyên vẹn. Mỗi đêm sau khi nhảy nhót tưng bừng, rượu bia tràn ngập, hắn lê tấm thân rã rời về nơi có cái mái nhà lọt ánh sao trời. Hắn ân hận. Nhưng đó chỉ là khoảnh khắc loáng qua. Sáng hôm sau tiếng gọi của đồng tiền, của đồng bọn lôi bật hắn dậy. Đúng như Hải dự đoán, mùa mưa kế tiếp cái mái không trụ nổi bị gió cuốn phăng. Bà Tú ướt như người bị ngã xuống ao. Bà bị cảm nặng. Hải cùng bà con chòm xóm mượn xe đưa bà đi cấp cứu. Khi Vĩnh về đến nhà thì mọi việc đã xong. Nhận lời cảm ơn từ Vĩnh, Hải ôn tồn nói: “Hãy sống cho tốt. Không ai kỳ thị anh đâu".
Vào một đêm, Hải cùng hai chiến sĩ cảnh sát khu vực nhận lệnh đi bắt Vĩnh, bởi hắn vừa thực hiện một vụ trộm lớn. Theo tin mật báo hiện hắn đang ẩn náu tại bãi Soi rộng chừng 3 ha nằm trên sông Thái Bình, chia dòng chảy thành bên to bên nhỏ. Phía xã Thượng Thành dòng to, phía phường Bình Yên dòng nhỏ. Xưa nay bà con phường Bình Yên trồng ngô. Mùa này ngô đang vào hạt. Trong bãi ngô có nhiều túp lều dùng cho người trồng canh giữ. Chưa biết Vĩnh ẩn trong cái lều nào. Hải cùng đồng đội thận trọng lùng sục một lúc thì phát hiện ra căn lều Vĩnh đang ẩn nấp. Ba người lặng lẽ áp sát. Dưới ánh đèn dầu tù mù, Hải phát hiện trong lều ngoài Vĩnh còn một người đàn bà khá trẻ (sau này Hải mới biết đó là Huệ, người yêu của Vĩnh). Hai người ngồi đối diện nhau qua cái bàn bé xíu. Vĩnh cầm dao cắt quả cam ra từng miếng nhỏ. Hắn cầm một miếng đưa cho người yêu, nói:
- Huệ à, em phải tẩm bổ thật nhiều. Dạo này em sút lắm. Hãy nghĩ đến đứa con sắp chào đời của chúng mình.
Lúc này Hải mới chú ý đến Huệ. Cái bụng của Huệ to vượt mặt. Cô vừa khóc vừa nói:
- Anh Vĩnh ơi, hôm rồi mẹ bảo em rằng anh Hải đến nhà mình vận động anh ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Chẳng lẽ anh suốt đời trốn chui trốn lủi thế này? Hãy ra đầu thú đi anh. Em và con sẽ chờ. Bao lâu em cũng chờ.
Hải ra hiệu cho hai người đồng đội nhất loạt xông vào:
- Nguyễn Văn Vĩnh, anh đã bị bắt.
Vĩnh bật dậy dùng chân đá tắt ngọn đèn cùng lúc ném mạnh con dao về phía Hải rồi lao thẳng vào tấm vách tạo thành một lỗ thủng lớn. Màn đêm chụp xuống. Tất cả tối đen như mực. Trước khi cái đèn dầu vụt tắt Hải còn kịp nhìn thấy lấp lánh ánh thép bay tới mặt mình. Hải giơ tay lên gạt. Một dòng máu chảy lạnh nơi cổ tay. Có tiếng lên đạn lốp rốp. Hải thét to: “Không được bắn” bởi Hải thấy thấp thoáng nơi lỗ thủng mà Vĩnh vừa tạo ra là Huệ. Ba người cảnh sát đứng sững. Ba mũi súng ngắn hướng xuống đất. Huệ quỳ sụp dưới chân Hải lạy lục: “Xin các ông đừng bắn chồng tôi”. Nhìn cái bụng to kềnh càng của Huệ, ba người cảnh sát lắc đầu ái ngại. Thế là một lần nữa Vĩnh lọt lưới. Hải thu quân mà lòng buồn rười rượi. Đêm nay Hải sẽ báo cáo thế nào với cấp trên? Liệu có ai hiểu được vì sao anh ra lệnh “Không được bắn” không? Ngay đêm ấy, công an phát lệnh truy nã Nguyễn Văn Vĩnh trên toàn quốc.
Cái tin Vĩnh bị truy nã khiến bà Tú quỵ xuống. Thân hình trơ kiệt của bà như bị vắt hết sinh khí. Bà đâu ngờ thằng con trai của mình lại hư đốn đến thế. Phải chăng đây là cái giá phải trả cho cách nuông chiều con không đúng của bà? Nhưng tất cả đã muộn. Giờ thì bà không còn sức đâu mà lo cho nó nữa. Bà nằm dán người trên cái giường cũ, thi thoảng ngước nhìn ra cửa. Trong đôi mắt đùng đục của bà chứa đựng bao nốt trầm da diết, mênh mông. Dường như bà mong mỏi được gặp mặt thằng con vào giây phút cuối đời. Hải bắn tin cho Vĩnh rằng nếu nghĩ tới trách nhiệm của một đứa con thì phải về. Nhưng một tháng trôi qua, Vĩnh vẫn bóng chim tăm cá. Tuổi già không thể vượt qua được bệnh tật cùng nỗi buồn u uất, bà Tú ra đi trong một đêm gió mưa tầm tã. Không người thân thích, một mình Huệ không thể quán xuyến nổi công việc nhà đám. Hải vận động các tổ chức trong khu dân cư và UBND phường đứng ra lo liệu chu toàn tang lễ bà Tú. Hải không bất ngờ khi Vĩnh xuất hiện vào nửa đêm trong bộ dạng ướt lướt thướt. Huệ vừa mặc tang phục cho Vĩnh vừa nói:
- Hãy nghe em một lần. Xong tang mẹ, anh ra đầu thú nhé.
Vĩnh quỳ trước quan tài người mẹ, mắt nhòa lệ. Lòng Hải trĩu nặng. Anh tiến sát tới lưng Vĩnh. Không cần nhìn lại, Vĩnh thầm thì như nói với riêng Hải.
- Tôi hiểu tấm lòng của anh, anh Hải ạ. Anh về đi, xong đám tang tôi sẽ đến công an phường đầu thú. Lời hứa danh dự đấy.
Lại một lần nữa Hải bị mọi người phê phán: “Hữu khuynh, để tình cảm lấn át lý trí. Thằng Vĩnh làm gì có danh dự mà mang ra đánh cược”. Hải im lặng. Người trưởng phường già đã thanh minh giúp Hải bằng điển tích thời Tam quốc: “Gia Cát thất cầm Mạnh Hoạch”. Giữ đúng lời hứa, ba ngày sau Vĩnh đến công an phường đầu thú. Trước tòa, Vĩnh nhận án 5 năm tù giam. Từ đó không ai còn nhìn thấy bóng dáng Vĩnh và Huệ đâu nữa.
*
Ông Hải hỏi:
- Sau này ông đi đâu? Làm gì?
Ông Vĩnh kể:
- Tôi được thả sớm gần hai năm vì cải tạo tốt. Tôi đưa Huệ về đây sống từ đó đến nay. Chúng tôi phải vật lộn với công việc để nuôi con, nuôi mình. Tôi chạy trốn sự kỳ thị, chạy trốn dĩ vãng tội lỗi để hoàn lương. Nói vậy chứ cũng có lần chênh chao muốn trở lại nghề cũ. Tôi nhớ một lần ông nói, ai cũng cần có tiền để sống. Nhưng đồng tiền ấy phải sạch sẽ. May mắn đến nay mọi chuyện đều tốt đẹp - Vĩnh dừng lời, giọng như nghẹn lại.
Chợt Vĩnh cầm cổ tay trái của ông Hải, hỏi:
- Vết thương của ông còn đau mỗi khi trái gió trở trời không?
Ông Hải gạt đi:
- Chuyện cũ nhắc lại làm gì.
Rồi ông cười hà hà:
- Nó khỏi từ khi ông nghĩ đúng, làm đúng.
Im lặng kéo dài. Mãi sau Vĩnh nói:
- Tôi có điều này chẳng biết có nên nói không?
Ông Hải bảo:
- Ông cứ nói. Trước đây ông là tội phạm, tôi là người đại diện cho pháp luật, nhưng giờ chúng ta là bạn.
Vĩnh hỏi:
- Vì sao đêm ấy ông không cho bắn? Vì sao đêm tôi về chịu tang mẹ tôi mà ông không bắt ngay? Trong khi ông đủ quyền hạn làm chuyện đó. Tôi biết ông bắn rất chính xác.
Ông Hải nói:
- Thứ nhất, tôi nghĩ đến đứa con sắp chào đời của ông. Nó phải có cha. Thứ hai, trước khi làm người cảnh sát nhân dân, tôi đã mang trong ngực mình trái tim biết yêu thương, biết bao dung.
Vĩnh chậm rãi:
- Tôi hiểu. Ông là một người cảnh sát có tấm lòng cao thượng và nhân hậu.
Chiều hôm ấy, hai người chia tay như hai người bạn. Bịn rịn và lưu luyến. Ông Hải thấy lòng mình thanh thản, hạnh phúc...