Bất cập tỷ lệ phân chia tiền công đức
Việc Hải Dương đang áp dụng chung một mức tỷ lệ phân chia tiền công đức khiến hoạt động ở những di tích có nguồn thu thấp gặp khó.
Tỷ lệ phân chia chưa hợp lý
Theo Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/1/2023 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội thì UBND cấp tỉnh ban hành quyết định về việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ áp dụng tại các di tích.
Hiện nay, tỷ lệ phân chia tiền công đức ở các địa phương trong tỉnh vẫn thực hiện theo một mức chung. Ban Quản lý các di tích được giữ lại không quá 15% nguồn thu tiền công đức gồm toàn bộ số tiền thu được từ hòm công đức và tiền đặt trên ban thờ tại các điểm di tích để trả tiền công lao động hợp đồng, in giấy công đức, tiền dầu đèn, hương, hoa, lễ, quảng bá, lễ hội... 85% số tiền công đức còn lại chuyển về ngân sách địa phương.
Vừa qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về tôn giáo. Một số địa phương đã phản ánh tỷ lệ phân chia tiền công đức hiện nay chưa hợp lý.
Theo bà Bùi Thị Miên, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích TP Chí Linh, nguồn thu ở các di tích khác nhau và nhiều nơi có sự chênh lệch lớn. Áp dụng cùng một mức trích tiền công đức đang gây khó khăn trong hoạt động của một số di tích có nguồn thu thấp.
"15% số tiền công đức của khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc có thể là hàng tỷ đồng và đủ để chi cho các hoạt động của di tích nhưng đối với các khu di tích khác ở TP Chí Linh có nguồn thu ít thì không đủ để chi dẫn đến tình trạng phải nợ lương, nợ đóng bảo hiểm xã hội cho cán bộ, người lao động", bà Miên cho biết.
Tại huyện Cẩm Giàng, Văn miếu Mao Điền và cụm đền Xưa - chùa Giám - đền Bia là di tích quốc gia đặc biệt nhưng nguồn thu từ những di tích này không lớn. Theo ông Hà Quang Thành, Trưởng Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng, du khách ghé thăm các di tích trong huyện phần lớn là học sinh, sinh viên nên nguồn thu từ tiền công đức không nhiều. "Nguồn thu trung bình một năm của các di tích được khoảng 700 - 800 triệu đồng. Khi trích 15% khó bảo đảm đủ chi mua hoa lễ, điện nước và trả lương cho 5 lao động thời vụ để phục vụ lượng lớn khách tham quan, chiêm bái. Hằng năm, huyện Cẩm Giàng đều phải cấp bổ sung ngân sách để chi tổ chức lễ hội", ông Thành cho biết.
Cần sớm điều chỉnh
Khi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát, nhiều đơn vị đề nghị cần phân chia tỷ lệ tiền công đức theo từng mức nguồn thu của các di tích là hợp lý nhất thay vì phân chia theo xếp hạng, diện tích hay quy mô di tích.
Theo Phó Trưởng Ban Quản lý di tích TP Chí Linh Bùi Thị Miên, tỉnh xác định tỷ lệ phân chia tiền công đức căn cứ trên mức thu hằng năm của từng di tích sẽ sát nhất với thực trạng thu, chi. Hiện nay, có nhiều di tích mặc dù được xếp hạng di tích cấp quốc gia nhưng ít du khách đến tham quan, chiêm bái và công đức nhưng các hoạt động thờ cúng, bảo tồn vẫn phải thực hiện thường xuyên. Do đó, những di tích này có thể cần quy định riêng.
Trưởng Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng Hà Quang Thành đề nghị cần có quy định, cơ chế và tỷ lệ phân chia với địa phương có tính chất đặc thù. Tỉnh cần tăng tỷ lệ điều tiết cho ban quản lý các di tích để bảo đảm chi thường xuyên.
Trước những bất cập hiện nay và tình hình thu, chi biến động lớn qua từng năm của từng di tích trên địa bàn tỉnh, Sở Tài chính đang xây dựng dự thảo quyết định và lấy ý kiến theo hướng phân cấp về cho cấp huyện, cấp xã quy định cụ thể, chi tiết với di tích do cấp mình quản lý. Trao đổi về việc xây dựng quy định của tỉnh về quản lý, sử dụng tiền công đức, đồng chí Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng các cơ quan liên quan cần rà soát tổng thể các di tích cùng các nguồn thu chi trên địa bàn tỉnh để sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định hợp lý, phù hợp nhất với các di tích.