Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề nghị ngân sách kỷ lục 7.700 tỷ yen
Ngân sách được Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề nghị không bao gồm các chi phí dành cho các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản, vốn tiêu tốn khoảng 200 tỷ yen mỗi năm.
Theo hãng tin Kyodo, ngày 31/8, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề nghị ngân sách kỷ lục 7.700 tỷ yen (53 tỷ USD) cho năm tài chính 2024.
Động thái này được thực hiện trong bối cảnh khi chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tăng cường triển khai vũ khí để hiện thực hóa các năng lực tấn công mới nhằm nâng cao sức mạnh răn đe do môi trường an ninh khu vực ngày càng tồi tệ.
Mức đề xuất này vượt qua ngân sách 6.800 tỷ yen cho năm tài chính 2023 hiện tại bắt đầu vào tháng 4, sau khi chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida cập nhật một tài liệu an ninh quan trọng vào cuối năm ngoái và cam kết tăng chi tiêu quốc phòng.
Ngân sách quốc phòng 2024, dự kiến sẽ được ấn định vào cuối năm, có thể sẽ tăng trong năm thứ 12 liên tiếp. Ngân sách được đề nghị không bao gồm các chi phí dành cho các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản, vốn tiêu tốn khoảng 200 tỷ yen mỗi năm.
Trong số các khoản chi theo kế hoạch, có 755,1 tỷ yen sẽ được phân bổ để tăng cường năng lực phòng thủ "tầm xa," trụ cột chính của cái gọi là năng lực phản công, bằng cách phát triển và mua sắm các tên lửa có khả năng phóng từ ngoài tầm bắn của kẻ thù.
Để chuẩn bị tốt hơn cho tình huống khẩn cấp gần các hòn đảo xa xôi phía Tây Nam của Nhật Bản, khoản kinh phí 595,1 tỷ yen sẽ được phân bổ để cải thiện năng lực triển khai nhanh chóng nhân sự và thiết bị vận tải, chẳng hạn như mua máy bay trực thăng vận tải.
Khoản kinh phí 379,7 tỷ yen sẽ được sử dụng để đóng hai tàu khu trục được trang bị hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis do Mỹ phát triển, dự kiến sẽ được đưa vào vận hành vào năm tài chính 2028, như một giải pháp thay thế cho kế hoạch triển khai hai khẩu đội phòng thủ tên lửa Aegis Ashore trên đất liền đã bị hủy bỏ.
Khoảng 75 tỷ yen sẽ được dành để thúc đẩy chương trình phát triển chung với Mỹ về "tên lửa đánh chặn giai đoạn lượn", một tên lửa để bắn hạ vũ khí siêu thanh được cho là do Bình Nhưỡng, Bắc Kinh và Moskva cùng các nước khác thiết kế.
Khoản kinh phí 63,7 tỷ yen sẽ được dành riêng cho dự án hợp tác phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo vào năm 2035 cùng với Anh và Italy.
Trước đó, Nhật Bản thông báo Thỏa thuận Tiếp cận Đối xứng (RAA) giữa nước này với Australia sẽ có hiệu lực từ ngày 13/8 tới.
Thỏa thuận này sẽ tạo điều kiện các các hoạt động huấn luyện chung nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Cụ thể RAA sẽ cho phép đẩy nhanh tiến độ triển khai các Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và Lực lượng phòng vệ Australia, đồng thời giảm bớt các hạn chế trong việc vận chuyển vũ khí và vật tư cho các hoạt động huấn luyện chung và cứu trợ thảm họa.
Thỏa thuận này tương tự như Hiệp ước về Quy chế các Lực lượng (SOFA) ký giữa Nhật Bản và Mỹ.
Nhật Bản và Australia chính thức ký RAA vào tháng 1/2022 sau khi hai nước bắt đầu đàm phán vào năm 2014 và đạt được một thỏa thuận mở rộng vào tháng 11/2020.