Người là vị Thánh trong lòng dân
Hải Dương sở hữu hàng nghìn di tích giàu giá trị lịch sử, văn hóa, trong đó có nhiều đình, đền, chùa phối thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam nói chung, người Hải Dương nói riêng, đình, đền, chùa… là nơi thờ Phật, thánh, thần linh, những người có công khai sáng, dựng làng, giữ nước, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá, người cộng sản kiệt xuất, vĩ đại, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc đã hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, vì hòa bình và công lý trên toàn thế giới. Sự hiện diện của các ban thờ Bác Hồ tại các di tích cho thấy người dân luôn tôn kính, biết ơn công lao và xem Bác như một vị thánh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng 5 lần về thăm Hải Dương. Tại nhiều nơi Người từng tới, địa phương đã dựng tượng đài, nhà tưởng niệm. Rất nhiều di tích lịch sử, văn hoá ở khắp nơi trong tỉnh cũng lập ban thờ Bác Hồ. Tuy quy mô thờ phụng khác nhau nhưng mỗi di tích có thờ Bác đều trở thành địa chỉ thiêng liêng.
Trong cụm di tích lịch sử văn hoá nghè - chùa Gia Cốc ở xã Tứ Cường (Thanh Miện) có nhà thờ Bác Hồ được xây dựng từ năm 2002, rộng khoảng 50 m2, kinh phí do nhân dân tự nguyện đóng góp. Chính giữa nhà thờ là ban thờ Bác Hồ, hai bên thờ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng liệt sĩ và những người con tiêu biểu của thôn có công lao lớn với cách mạng.
Cùng ở xã Tứ Cường, đình Khoai thuộc làng An Khoái cũng dành vị trí trang trọng để thờ Bác Hồ. Đặc biệt, vào dịp lễ hội diễn ra từ ngày 20-23/3 âm lịch hằng năm, thôn còn tổ chức đoàn rước kiệu thánh và ảnh Bác đi xung quanh làng. Các hộ sinh sống hai bên đường đoàn rước đi qua đều sắp hương, hoa, trà, quả, bánh kẹo… dâng cúng ngay tại cổng, thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Đình La Tỉnh ở thị trấn Tứ Kỳ vừa hoàn thành cải tạo, nâng cấp với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Bên trong ngôi đình bề thế, khang trang này, cán bộ và nhân dân khu La Tỉnh dành một vị trí trang trọng để lập ban thờ Bác Hồ. Ông Nguyễn Như Hải, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận khu, Trưởng Ban Quản lý đình La Tỉnh cho biết: “Việc thờ tượng Bác trong đình đã được duy trì từ lâu. Nay đình được nâng cấp to đẹp thì tượng của Người cũng được đúc bằng đồng. Sắp tới khi tượng Bác hoàn thiện chúng tôi sẽ tổ chức lễ rước trang trọng”.
Trong mỗi ngôi đền liệt sĩ ở Hải Dương cũng đều có ban thờ Bác Hồ, nói lên tình cảm sâu sắc của nhân dân đối với Bác. Điều này bắt nguồn từ ý thức dân tộc, đồng thời mang màu sắc, dấu ấn của tập quán, nếp sống, tín ngưỡng dân gian địa phương.
Theo tiến sĩ sử học Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, việc thờ phụng Bác Hồ tại các di tích lịch sử văn hoá không chỉ phù hợp với tình cảm, nguyện vọng của nhân dân Hải Dương, mà còn phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, là hình thức lưu niệm, tưởng niệm danh nhân, anh hùng dân tộc. Giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Bác Hồ cũng chính là bảo vệ vững chắc truyền thống lịch sử và văn hóa của dân tộc. "Những di tích có thờ Bác Hồ là nơi để đồng bào, chiến sĩ thể hiện lòng kiên trung, ý chí bất khuất, một lòng đi theo con đường của Đảng, của Bác Hồ. Đồng thời, tạo ra môi trường tốt cho việc bảo tồn di tích lịch sử, giáo dục, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống và cách mạng...", tiến sĩ Lê Duy Mạnh nói.
Tại nhiều trụ sở cơ quan nhà nước và gia đình ở Hải Dương cũng trưng bày ảnh, tượng Bác Hồ. Việc này đã thành một nét văn hoá tốt đẹp, góp phần quan trọng vào việc duy trì, bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hóa của dân tộc.