Những người trẻ sợ về nhà
Dịp nghỉ lễ mùng 2/9, Thanh dự định ở một mình tại phòng trọ ở Cầu Giấy tăng ca kiếm thêm thu nhập thay vì về nhà.
Cô gái từng là niềm tự hào của gia đình, giờ sợ đối diện với bố mẹ.
Trong nhà có bốn chị em gái, Hồng Thanh (25 tuổi, ở Hà Nam) là người duy nhất đậu đại học. Bố mẹ vào nam mưu sinh, ngày bán hàng rong, đêm chạy xe ôm để nuôi cô ăn học. Thanh luôn dặn lòng phải học thật giỏi, kiếm nhiều tiền bạc trả hiếu cho cha mẹ.
Suốt bốn năm đại học, Thanh đều đứng đầu lớp, giành học bổng, nhiều giải thưởng ở các cuộc thi. Thành tích của con gái khiến bố mẹ tin cô sẽ là niềm tự hào của gia đình. "Bố mẹ đi khoe khắp họ hàng tôi học giỏi thế nào, kỳ vọng tôi sẽ thành công ra sao", Thanh kể.
Ra trường, cô gái trẻ liên tiếp nhận những "cú tát" của cuộc đời. Cô đến đâu làm việc cũng không thể bắt nhịp, nơi thì do môi trường làm việc khó hòa đồng, nơi thì Thanh không đủ kinh nghiệm và năng lực. Cô âm thầm rút khỏi thị trường việc làm, lòng quặn lên nỗi lo thất nghiệp. Những lúc mệt mỏi quá, Thanh xách balo về quê với ý định tìm một công việc bình thường.
"Đầy người học đại học rồi về làm công nhân, sớm chiều bên bố mẹ cũng có sao đâu", Thanh tự động viên mình. Nhưng ý tưởng này của cô sớm bị dập tắt khi em gái kể, hôm cô nói định nghỉ việc, bố mất ngủ, cứ ngồi ngoài sân hút thuốc.
"Từ nay chị nói gì phải suy nghĩ. Bố kỳ vọng rất nhiều ở chị, nói thế bố buồn", đứa em nói. Thanh thức đến sáng rồi xách balo quay trở lại thành phố, quay cuồng tìm việc, chẳng dám nghĩ đến ý định về quê.
Những người trẻ chịu gánh nặng tâm lý đến mức không dám về nhà không phải hiếm. Một nghiên cứu toàn cầu thực hiện năm 2021 của Barna Group (Mỹ) và Impact 360 Institute cho thấy cứ 5 người sẽ có 2 người thuộc Gen Z chịu áp lực từ cả bên trong và bên ngoài. Trong đó, yếu tố bên ngoài là kỳ vọng của cha mẹ (39%) và bị đánh giá bởi thế hệ trước (42%). Yếu tố bên trong gồm áp lực thành công (56%) và áp lực cần phải hoàn hảo (42%).
Nghiên cứu của bác sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Rối loạn stress và Sức khỏe tình dục, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai năm 2019-2020, phát hiện hơn 55% người trẻ bị sang chấn tâm lý. Trong đó, áp lực lớn nhất gặp phải là từ gia đình (20,5%).
Thạc sĩ tâm lý Hồng Hương (Hội bảo vệ quyền lợi trẻ em) cho rằng một trong những lý do khiến những đứa con không dám về nhà một phần do chính họ thấy xấu hổ khi không được đạt được kỳ vọng, chưa tìm được sự tự hào.
"Họ không dám về nhà vì không lo được cho bố mẹ, không dám đối diện với chính mình và thấy không xứng đáng với những yêu thương của cha mẹ", bà Hương nói. Những trường hợp này vẫn là do áp lực thành công, áp lực tài chính khiến họ sợ về. Điều này được khẳng định trong nghiên cứu của Viện nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life) với 59% người trẻ cho biết họ lo lắng về tài chính, 55% lo lắng về tạo dựng sự nghiệp.
Chuyên gia Hồng Hương cho rằng trong thâm tâm, ai cũng muốn được trở về với gia đình, bởi đó là sợi dây kết nối tâm hồn. Nếu sợ không về, họ sẽ rơi vào trạng thái buồn bã, cô đơn. "Cảm giác đó thúc đẩy hành động để trở về, hoặc tiêu cực hoặc tích cực", bà Hồng Hương nói.
Hồng Thanh sau những ngày khóc sưng mắt vì buồn đã quyết định vực dậy bản thân. Cô dán khắp tường những mẩu giấy ghi mục tiêu của bản thân và thời hạn đạt mục tiêu đó. Ngày xin làm một công việc tạm thời, tối cô đóng cửa phòng học tiếng Anh.
Thi thoảng Thanh trích tiền lương gửi về cho bố mẹ để trấn an tinh thần họ, lâu lâu gọi điện thăm hỏi. "Tôi chưa thành công nhưng đã xác định được con đường mình sẽ đi. Tôi tin sự nỗ lực sẽ được đền đáp", Thanh nói.
Duy Tùng (22 tuổi, ở Nghệ An) vì muốn chứng tỏ với bố mẹ mình vẫn thành công, vẫn kiếm ra tiền dù không học đúng ngành cha mẹ ép buộc, cậu vay tiền để đi học, chi tiêu. "Tôi muốn trông có vẻ ổn nhất", Tùng nói.
Chàng trai trẻ vay tín dụng đen mua xe, sắm sửa quần áo, mua quà tặng bố mẹ dịp Tết Nguyên đán để họ không càm ràm. Kế hoạch thành công, nhưng giữa năm nay, Tùng bỏ Hà Nội vào Sài Gòn vì bị giang hồ kéo đến tận phòng trọ đòi nợ. "Càng như vậy tôi lại càng không muốn về đối diện với bố mẹ nữa. Do họ nên tôi mới rơi vào cảnh này", đứa con nói.
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương cho rằng với những đứa con áy náy vì không thể đáp ứng kỳ vọng của bố mẹ, dù không trở về thì kết nối tình cảm vẫn tốt. Nhưng nếu không trở về vì hai bên phán xét và đổ lỗi, con cái và cha mẹ sẽ mất kết nối, càng thêm xa cách.
Bà khuyên người trẻ như Tùng đừng sợ trở về nhà. "Nếu không thể hiện được tài năng gì, ít nhất cũng hãy thể hiện năng lực đối diện với nghịch cảnh, suy nghĩ tích cực hơn, sống và làm việc tích cực hơn", bà nói.
Theo tiến sĩ Phạm Thị Thúy cha mẹ có thể gây áp lực do khác biệt về quan điểm, nhưng lựa chọn hay không do người trẻ. Vì vậy, nếu nghe theo lời cha mẹ rồi sinh oán giận là lỗi ở người con. Thành công hay thất bại chỉ mang tính tương đối. Với nhiều người trẻ làm ra tiền không hẳn thành công. Công việc mang lại niềm vui mới là ưu tiên. Vì vậy, bố mẹ nên tôn trọng quyết định của con, hạnh phúc với lựa chọn của người trẻ.
Thạc sĩ Hồng Hương cho rằng cha mẹ thấy con đi xa không gọi điện, kết nối rời rạc thì nên chủ động hỏi thăm, khoan kết tội con. Điều đầu tiên nên nghĩ đến là con mình đang gặp khó khăn gì. Hãy nói với nó mình nhớ con, luôn muốn giúp đỡ con.
Thanh biết trở về hay không bố mẹ vẫn yêu thương, nhưng cô không muốn đối diện họ khi chưa có gì trong tay. "Tôi sẽ về nhà nhiều hơn khi tự tin hơn", Thanh nói, dự định Tết mới về quê. Còn Tùng vẫn đang kiếm tiền trả nợ ở Sài Gòn mà không có ý định gọi điện cho bất kỳ người thân nào.
* Tên nhân vật trong bài thay đổi.