Khúc đồng dao

Xã hội - Ngày đăng : 05:24, 17/07/2010

Tuổi thơ tôi gắn liền với những trò chơi nơi thôn dã cùng những bài đồng dao mộc mạc mà hồn nhiên, trong sáng. Đồng dao là những câu hát dân gian của trẻ con và phần lớn do chính các em bé sáng tác. Chúng được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác và không ngừng được bổ sung nhằm diễn tả những suy nghĩ, những sắc thái tình cảm của trẻ thơ.

Từ ngày còn rất nhỏ, tôi đã thuộc lòng nhiều bài đồng dao ngắn gọn mà các anh chị thường hát. Rồi lớn dần lên, bên cạnh những bài đồng dao sẵn có, chúng tôi còn đặt câu bắt vần để hình thành những khúc hát mới. Hình ảnh những đứa trẻ đầu trần chân đất, quần cộc áo nâu vừa hát đồng dao vừa tham gia lao động hay vui chơi, đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí mỗi người. Chúng tôi có thể hát đồng dao trong buổi chăn trâu cắt cỏ, khi mò cua bắt cá hay trong các cuộc vui chơi bên lũy tre đầu làng, trong những đêm trăng sáng trước sân nhà... Phần lớn các bài đồng dao đều có kết cấu ngắn gọn, nội dung gần gũi dễ hiểu và đặc biệt là được gieo vần nên rất dễ thuộc, dễ nhớ. Đôi khi trong lúc hát đồng dao, chúng tôi còn kèm theo nhịp vỗ tay đều đặn hay dùng que gõ xuống đất, dùng bàn tay đập lên mặt nước... Đối với tụi con gái thì đồng dao thường dùng để làm nền cho các điệu múa dân gian dù còn đơn giản nhưng cũng rất đẹp và mềm mại...

Hát đồng dao cần phải theo dàn theo nhóm vì loại hình này rất vui nhộn và mang tính tập thể rất cao. Khi bắt đầu hát, một đứa trong dàn hát trước câu đầu của bài để bắt nhịp, giống như người nhạc trưởng vậy; sau đó tất cả đồng thanh hát theo. Hát hết bài thì vòng hát lại, nhiều lần như thế. Vẻ mặt đứa nào cũng tươi tắn, rạng rỡ và đều toát lên vẻ hồn nhiên, trong sáng. Khi muốn hát bài khác thì giọng của cả dàn sẽ trầm lắng xuống để cho người bắt nhịp chuyển sang bài mới. Những bài đồng dao cứ nối tiếp nhau ngân lên, vang vọng mãi giữa không gian khoáng đạt của đất trời. Đồng dao vừa có vai trò giải trí, đem lại niềm hứng khởi cho chúng tôi; lại vừa rèn luyện trí tưởng tượng, khả năng quan sát mọi vật xung quanh và bồi đắp tâm hồn thêm phong phú. Đồng thời, qua hình thức sinh hoạt văn hóa này, những đứa trẻ càng gần gũi và gắn bó với nhau hơn...

Thế giới những sự vật, hiện tượng trong các bài đồng dao vô cùng phong phú. Với tâm hồn trong sáng và trí tuệ non nớt, chúng tôi đã nhập thân vào mọi đối tượng miêu tả, thổi sự sống vào những vật vô tri vô giác. Mọi loài vật mà chúng tôi quan sát được đều trở thành những người bạn, có tính nết đáng yêu, hành động ngộ nghĩnh và chúng lần lượt dẫn nhau vào câu hát. Đó là những vật nuôi trong nhà như chú lợn hay ăn mà lười biếng: "Mặt nhăn mồm nhọn/Ăn rồi không dọn/Thưỡn bụng nằm dài/Tròn như bị thóc". Đó là họ hàng nhà chim: "Chim ri là dì sáo sậu/Sáo sậu là cậu sáo đen..."; họ hàng nhà quả trong vườn: "Lúa ngô là cô đậu nành/Đậu nành là anh dưa chuột...". Đặc biệt, có một số bài đồng dao thường xuyên được chúng tôi hát vì chúng đi liền với động tác, lẫn trong trò chơi, như: Nu na nu nống, Chồng nụ chồng hoa, Rồng rắn lên mây, Con vỏi con voi, Tập tầm vông...

Ngày nay, trẻ em có điều kiện làm quen với nhiều loại hình giải trí mới. Song có lẽ, không có trò chơi nào vừa mang tính phổ biến và tập thể, lại vừa có tính nhận thức, tính thẩm mỹ và tính giáo dục cao như những câu hát đồng dao...

Tản bút của TRẦN VĂN LỢI