Tên làng

Xã hội - Ngày đăng : 06:03, 13/11/2010


Tôi đã xa làng đi công tác hơn hai chục năm nay nhưng những hình ảnh của quê hương qua những áng thơ, trang văn và kỷ niệm của tuổi thiếu thời vẫn còn đọng mãi. Những cây đa, bến nước, con đò, những cánh cò, cánh vạc như vẫn hiển hiện trước mắt tôi, dắt tôi về với làng với xóm. Và gắn với những hình ảnh thân thương ấy là tên làng yêu dấu của tôi. Nó lấp lánh, long lanh níu gọi tôi về.

Ai đã từng đi xa hẳn có những phút giây cồn cào nhớ về quê mẹ. Đang lang thang trên đất khách quê người, đang ồn ã tưng bừng nơi phố xá, bất chợt ta bỗng bắt gặp làng quê qua lời ca của một bài hát nào đó. Vượt ra khỏi ánh đèn cao áp của thành phố chợt thấy ánh trăng vằng vặc oà ra làm cho ta ngỡ ngàng chợt thốt lên: “Thương nhớ quá đồng quê!”. Dạo bước dưới trăng nơi ngoại ô thanh vắng ấy mà ta cảm thấy như mình có lỗi với làng. Những tên làng, tên núi, tên sông như những mạch ngầm của cảm hứng bất chợt lại trào dâng trong ta bao nỗi niềm nhung nhớ.

Làng ta xưa với những cái tên hiền như củ khoai, củ sắn. Tên của mỗi làng thường gắn với tên của những loài cây, tên sông, tên núi, tên của những nghề truyền thống. Tất cả chân thật, dịu hiền như những người nông dân bao đời cày cấy, như mẹ cha ta quanh năm lam lũ tảo tần. Chẳng hoa mỹ, màu mè, không phô trương, cách điệu mà sao ta nghe thấy vẫn duyên dáng lạ kỳ. Tên làng ta lung linh trong những câu chuyện cổ, trong lời ru của mẹ của bà. Tên làng ta lao xao trong câu hát đồng dao lũ trẻ. Những cánh đồng Cây Sung, Gốc Ổi, những xóm Đình, Bãi Sặt, Bông Lau... đã tụ hội thành cái tên chung nhất của làng. “Những cái tên nghe chẳng thơ đâu nhưng với ta vô cùng thân thuộc".

Xa quê bao năm rồi mà ta vẫn không thể nào quên được cánh cổng làng sẫm rêu phong đón đợi, những con đường vàng thơm ngát màu rơm khi mùa gặt đến, những quả đồi tím ắp hoa mua, hoa sim... Tất cả còn lưu mãi tiếng cười của ta thời chăn trâu cắt cỏ. Hễ có ai đó nhắc đến tên làng là ta lại xôn xao, bâng khuâng đến lạ. Ôi! Tên làng đã thấm sâu vào máu thịt của ta, trở thành hơi thở tình yêu của ta!  

Ngày nay cuộc sống công nghiệp xô bồ đã làm mai một đi phần nào nét quê duyên dáng. Cả tên làng ta cũng vậy. Vừa rồi, tôi có về quê hỏi lũ trẻ tên thôn này xóm nọ thì chúng chỉ lắc đầu. Nhắc đến những cái tên làng xưa ấy chúng chỉ cười rũ rượi và cho tôi là cổ hủ. Bây giờ làng tôi đã được chia thành “khu 1”, “khu 2”. Cả xã thành hơn chục khu, thôn với cái tên số học khô khan đó. Tôi nghe cứ day dứt ngậm ngùi. Có phải thời chiến tranh đâu mà cần bí mật để đặt ra những mã số cho làng như thế. Còn đâu bóng dáng cây đa, bến nước, con đò qua những khu 1, khu 2? Và điều tai hại hơn là lớp trẻ lại có vẻ như xấu hổ khi ở trong một cái làng có cái tên “ngồ ngộ” như tôi nhắc đến, không ý thức được tên làng (?) Chúng dửng dưng với những con số. Thì số nào mà chẳng là số. Chúng có gì khác nhau đâu mà thương với nhớ (!). Ngỡ tưởng chỉ có phố xá mới loạn số nhà thế mà làng quê bây giờ cũng chênh vênh tên làng tên xóm. Tôi cứ lẩn thẩn mãi với những suy nghĩ vẩn vơ ấy. Hay là tôi cũng cổ hủ thật rồi? Nhưng dẫu sao thì tên làng tôi ngày xưa ấy vẫn cứ ngời ngời trong hồn tôi, thánh thót trong con tim đỏ máu của tôi.    

“Quê hương mỗi người chỉ một”. Đất sinh tên làng. Tên làng làm sang tên nước. Tên làng tồn tại mãi mãi trong không gian và thời gian, trong mỗi con người yêu làng yêu nước. Đó là bản sắc của ta, là cội nguồn của ta. Đổi mới nhưng phải giữ gìn những gì tốt đẹp mà ta đã có. Tên làng chính là cái hồn của ta cần phải lưu tâm gìn giữ.

Tản văn của XUÂN THU