Mẹ và tháng 3

Xã hội - Ngày đăng : 00:57, 06/03/2011

“Mưa phùn ướt áo tứ thân
Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu”

Tháng 3, sao mưa phùn cứ kéo dài mãi thế. Mưa mang lại cảm giác lạnh và nhớ mẹ càng nhiều thêm khi đọc câu thơ của Tố Hữu.

Tháng 3, mẹ vẫn ra đồng cấy lúa, trồng rau. Mưa phùn làm cho cây cối đâm chồi nảy lộc, ruộng rau của mẹ thêm xanh tốt nhưng mưa lại làm ướt áo mẹ, làm quần áo mẹ phải lấm tấm bùn đất. Những giọt mưa trong suốt, không mùi vị lẫn vào những giọt nước mắt mặn chát nhưng hết sức  ngọt ngào của mẹ.
Tháng 3, mẹ vẫn đi chợ vào mỗi sáng sớm khi gà còn trong chuồng cất tiếng gáy o o. Khi cả làng còn đang say giấc và chúng con đang ở trong những giấc mơ đẹp.

Tháng 3, có một ngày thật đặc biệt, 8-3. Mẹ cũng chẳng để ý là ngày của mẹ. Mẹ vẫn đi chợ sớm, ra đồng, kiếm tiền nuôi con.

Trong mắt tôi, một thằng con trai, mẹ thật sự không đẹp, thậm chí là xấu, nước da hổ giun, dáng người thấp, khuôn mặt to, chiếc mũi tẹt. Duy chỉ có đôi mắt của mẹ, lúc nào tôi cũng thấy long lanh tràn đầy tình yêu thương, sự mãnh liệt và nghị lực phi thường. Mẹ vất vả lắm. Mẹ lấy bố khi còn trẻ, rồi sinh con một bề. Mỗi năm một thằng con trai  ra đời. Mẹ chỉ mong có con gái chấy rận mà không  được. Nhà tôi nghèo, rất nghèo. Quanh năm, tôi chỉ mặc những chiếc áo đã vá chằng vá chịt, những chiếc quần rộng thùng thình, cũ kỹ đầy những “ti vi” ở mông.

Mưa phùn tháng 3 thật là ý nghĩa, vì làm tôi nhớ về mẹ. Nhớ những hôm, mẹ đi ra đồng, đường thì trơn, bước thấp bước cao, dấu chân của mẹ hằn in trên con đê, trên bờ ruộng. Trên vai là gánh rau kĩu kịt về nhà để có buổi chợ sớm, để có tiền mua thịt cá cho bốn bố con ăn. Những cái miệng háu ăn của những đứa trẻ đang sức lớn. Mỗi đứa con của mẹ đều được mẹ đặt tên với ý nghĩa riêng.

Mẹ sinh anh trai đầu tiên. Mẹ đặt tên là Du vì muốn anh trở thành người có chí hướng bốn phương. Con trai út của mẹ, tên Duy vì muốn út trở thành một người có ý chí kiên định. Còn tôi, thằng con trai giữa, thì cái tên thật là con gái. Thuỳ. Tôi hỏi mẹ cái tên có ý gì. Mẹ chỉ cười mà không nói. Chính vì cái tên đó mà tôi đã không thích mẹ. Đàng hoàng là một người đàn ông mà có cái tên ẻo lả, tôi đã bị bạn bè chế giễu. Đi học cô giáo cũng tưởng tôi là con gái. Đi thi, bao giờ cũng được ngồi giữa rừng hoa bát ngát. Thật sự, thuở nhỏ, tôi chán mẹ biết bao vì cái tên này. Tôi giận mẹ và làm mẹ bực mình vì tôi không biết bao nhiêu lần. Tính của tôi lầm lì và khó bảo. Sau này, mẹ thường nói với tôi “Con trai của mẹ rất khó nuôi”. Tôi hay ốm, ăn bao nhiêu mà người vẫn gầy nhằng, lại nghịch ngợm, đánh nhau. Tôi là đại ca của bọn trẻ con trong xóm, kể cả những anh lớn hơn tôi vài tuổi vẫn là đàn em của tôi. Tôi hay bỏ học để tụ tập chơi trò đánh trận. Tôi là chỉ huy. Con người đầy chất nam tính và anh hùng như tôi lại có cái tên yếu đuối. Bị trêu chọc vì cái tên đó, tôi tức điên và sẵn sàng lăn xả vào cuộc chiến đấu với đám con nhà giàu thích khoe khoang và hợm đời.

Thành tích đánh nhau và bỏ học của tôi quá nhiều, nên bị nhà trường kỷ luật rất nhiều lần và cuối cùng cho nghỉ học. Đối với tôi, nghỉ học là một niềm vui. Tôi không cần phải đến lớp, không cần học. Tôi sẽ vẫn cứ lớn lên và được tự do sống. Còn mẹ, mẹ khóc, mẹ không muốn thất bại. Mẹ không muốn con trai yêu quý bị nghỉ học. Mẹ không muốn tôi thành hư hỏng, trộm cướp. Mẹ muốn tôi thành người có ích cho xã hội. Muốn tôi học thành người, sau này không khổ như bố mẹ. 

Còn nhớ, hôm ấy, vào ngày mưa phùn tháng 3, mẹ van xin thầy hiệu trưởng cho tôi được đến trường và hứa sẽ bảo tôi biết nghe lời. Nhìn mẹ, tôi biết mình có lỗi. Tôi biết, mẹ mệt nhọc kiếm tiền, mẹ chỉ khổ một, mẹ không đau mà rất vui nhưng đứa con trai của mẹ hư, mẹ đau lòng gấp trăm lần.
Sau lần đó, mẹ kể tên của tôi là Thuỳ vì bố mẹ tưởng tôi sẽ là con gái.

Tháng 3, mưa phùn hằng ngày hằng đêm vẫn rơi. Những giọt mưa ấy có nhiều bằng giọt nước mắt của cả cuộc đời mẹ. Có thể là nhiều hơn hoặc ít hơn. Nhưng giọt mưa ấy không thể và không bao giờ sánh bằng, quý giá bằng những giọt nước mắt của mẹ. Đó là những giọt vàng chứa đầy nỗi nhọc nhằn và niềm tin, sự hy sinh và tình yêu thương của mẹ.

Tháng 3 về, trong tôi những nỗi nhớ mẹ lại hiện hữu. Không còn ở bên mẹ nữa, tôi tự bảo mình sẽ cố gắng rèn luyện bản thân và thực hiện những mong muốn của mẹ để mẹ không buồn.

Mồng 8 -3 về, tôi muốn gửi lời yêu thương đến người mẹ của tôi. “Nếu không có mẹ, con sẽ không có trên đời, không có mẹ con cũng không thể trưởng thành và lớn lên được như ngày hôm nay. Con cảm ơn mẹ. Con yêu mẹ, mẹ của con”.­­

NGUYỄN VĂN THÙY