Hồi ức mùa ngô
Xã hội - Ngày đăng : 10:05, 27/11/2011
Năm nay mùa đông đến muộn. Bây giờ đã là giữa tháng mười, vậy mà trên các ngõ phố, các cửa hàng bán áo lạnh, khăn len vẫn thưa vắng khách.
Mùa đông, mới nhắc đến đã thấy cái lạnh ùa về trong tâm trí, len lỏi qua từng lớp ký ức mỏng manh khơi gợi lại những kỷ niệm năm nào. Mùa đông chưa tới, tức là ở quê giờ này mẹ lại đang cuống cuồng lo cho mấy sào ngô năm nay không vào hạt. Sau hơn tám tháng ròng rã lao động cực nhọc với hai vụ lúa, người dân quê tôi lại bắt tay vào trồng ngô để lấy lương thực chăn nuôi cho cả một năm dài sắp tới. Ngô là loài cây dễ trồng lại cho năng suất cao, thế nên năm nào cũng vậy, trên những thửa ruộng quê tôi vào mùa đông lại mướt một màu lá ngô xanh thẫm trải rộng khắp cánh đồng. Tuổi thơ tôi lớn lên từ đó, những kỷ niệm gắn với mùa đông cũng là gắn với những mùa ngô lấm lem trong ký ức.
Đầu mùa đông, những cây ngô non đã cao hơn mặt luống chừng 20 cm. Lúc này, nhìn ruộng ngô nom như một bãi cỏ xanh rì, lũ trâu, lũ nghé đứng trên bờ gặm cỏ mà thi thoảng cũng phải ngoái nhìn xuống thèm thuồng. Xen giữa những cây ngô nhỏ nhắn là những cây dại non mỡn, mẹ thường sắm cho tôi một đôi quang gánh đi nhặt đem về cho lợn. Nào là rau sam, rau dền rồi rau dệu, chỉ một loáng tôi đã có thể nhặt đầy hai chiếc xảo nhỏ. Ngày ấy, ngoài việc học trên lớp vào buổi sáng, dường như nhiệm vụ chính của lũ trẻ chúng tôi là chăn bò, chăn trâu hay đi hái rau, cắt cỏ.
Vào khoảng tháng mười một, những cây ngô thấm thoắt đã cao hơn đầu người. Dắt trâu đi men theo những bờ cỏ dọc hai bên ruộng, chỉ có thể nghe thấy tiếng chứ không nhìn thấy mặt nhau. Những lá ngô lúc này rậm rạp, chìa ra bờ cỏ, cứa những cạnh lá sắc bén vào mặt, vào cổ. Lũ nghé thi nhau chạy loạn trong các ruộng ngô, đùa giỡn làm gãy cả những thân ngô non. Con trâu già thi thoảng lại ngẩng lên la liếm mấy lá ngô chìa ngay trước mõm. Chúng tôi mặc cho nó ăn thỏa thích, dù sao cũng chẳng người lớn nào biết được do những ruộng ngô cao ngút đã giấu nhẹm những “tên trộm” lém lỉnh. Mùa đông được lũ trẻ quê tôi đặt cho cái tên thật ngộ nghĩnh: mùa chăn dắt.
Lúc này cũng là thời điểm ngô bắt đầu vào hạt, dùng ngón tay bấm vào hạt ngô đã thấy rỉ ra một thứ nước đục như sữa. Ngô này mà đem nướng lên với ít than xoan thì còn gì bằng. Gió giữa mùa thổi ràn rạt trên đồng, chúng tôi không sao nhóm được củi để nướng ngô. May sao mùa này là mùa khô, nước dưới mương cạn hết, để lộ ra lòng mương nứt nẻ như những con rắn nước nằm dài chờ mồi. Chúng tôi đi kiếm bùn non về đắp thành cái bếp giống như ở nhà, đợi vài ngày chờ khô rồi đi nhặt những cành củi xoan khô về nhóm bếp, chẳng mấy đã có bắp ngô thơm lừng để ăn.
Những ngày giữa tháng chạp là chuỗi ngày bận rộn nhất trong suốt mùa đông ở quê tôi. Lúc này cánh đồng ngô bắt đầu vào mùa thu hoạch, trâu bò bị nhốt ở nhà cho ăn lá ngô thay cỏ, còn lũ trẻ chúng tôi cũng được lôi ra đồng tranh thủ làm cho nhanh xong vụ ngô trước Tết. Những ruộng ngô bẻ hết bắp, tuốt hết lá, chỉ còn trơ lại thân cây trơ trụi giữa cái rét cắt da cắt thịt. Vừa làm, lũ trẻ vẫn tranh thủ tìm những cây ngô có thân mập mạp, nhiều nước, chặt thử rồi nếm có vị ngọt thì lấy ăn, còn gọi là “mía” ngô. Tuy không được ngọt lịm như mía nhưng đó cũng là một món quà mà mùa đông đã ban tặng cho những đứa trẻ quê nghèo.
Mùa ngô cũng là mùa chim cò về nhiều, chúng bay thành từng đàn rồi đậu trắng cả một vạt cánh đồng. Những ruộng ngô đã thu hoạch hết, là địa điểm lý tưởng để bẫy cò. Cũng vì thế, hồi ức duy nhất còn đọng lại trong tôi là món thịt cò rang béo ngậy mỗi khi nhớ về lại chực nuốt nước bọt đến là thèm.
Cái lạnh ở quê tôi vào mùa đông khắc nghiệt đến mức những đứa trẻ nhà nghèo như chúng tôi, trên người chỉ vận mỗi cái áo vá chằng vá đụp, mặt mũi tím tái đi vì rét. Thế nhưng cái lạnh ấy dù se sắt đến mấy, cũng không khiến tuổi thơ mất đi sự hồn nhiên vô tư.
Tản văn củaNGUYÊN NHUNG