Kĩu kịt gánh con
Xã hội - Ngày đăng : 18:10, 18/12/2011
Chắc không ai nhớ xe đạp có giỏ chở trẻ con đặt trước ghi-đông xe ra đời từ khi nào, nhưng để có được điều đó là một quá trình lâu dài khi mà ở vùng nông thôn ngày xưa không có mấy người sắm được xe đạp.
Gánh con trên đường là hình ảnh rất đỗi quen thuộc trước khi xe đạp ra đời. Cái thời phương tiện giao thông quá ư tệ hại, con người ta vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng thúng gióng và đôi chân bền bỉ năm này qua năm khác. Vậy là để tiện việc chăm sóc con trẻ, các mẹ, các chị cho con vào một thúng, thúng đầu kia là hàng hóa. Có thể là gạo thóc, bánh trái, kể cả quần áo, xoong nồi… Cứ thế, các mẹ, các chị kĩu kịt gánh lúp xúp trên đường làng, trên bờ đê, kể cả ở vùng nước lũ.
Những năm chiến tranh, người dân di tản ra khỏi những vùng sắp xảy ra chiến sự, phương tiện chính để đưa trẻ con, hàng hóa chính là quang gánh. Người lớn gánh chạy tháo mồ hôi, thở không muốn ra hơi, trong khi con trẻ cứ mở to mắt ngơ ngác nhìn quanh. Thậm chí còn tỏ ra thích thú nữa chứ! Thật tội nghiệp cho những em bé như chúng tôi ngày xưa cứ vô tư trước bao nỗi khổ của người khác. Có những đứa trẻ con ở miền quê xa ngái trải qua nhiều năm tháng được di chuyển bằng quang gánh. Những người mẹ oằn đôi vai gánh con đi chợ, gánh con ra đồng, gánh con chạy lụt. Mẹ tôi kể lại, tôi đã từng được mẹ gánh chạy giặc, chạy lũ lụt nhiều lần, kể cả những lần mẹ gánh tôi về nhà dì, nhà cậu ăn giỗ. Những bánh tráng, cà ồ, mắm cái… mẹ mang cho các cậu, các dì một bên thúng, còn bên kia là “quả cân thằng nhóc” nhỏ nhoi.
Tôi không đếm được chiều dài mẹ gánh tôi đi. Đó là chiều dài thấm đẫm mồ hôi, có khi còn là nước mắt. Mẹ gánh bao lo toan, nhọc nhằn, nhưng không hề hé răng than vãn nửa lời. Mẹ gánh ký ức của tôi chạy dài suốt tuổi thơ để tôi biết làm người sống cho phải đạo.
Tản bút của TRẦN QUỐC CƯỠNG