Cơm cha áo mẹ chữ thầy

Xã hội - Ngày đăng : 22:02, 27/11/2012



"Cơm cha áo mẹ chữ thầy/Công ơn giáo dưỡng tháng ngày khắc ghi"

Con người từ lúc còn là đứa trẻ đến khi trưởng thành được sự giáo dưỡng của cha, mẹ và thầy. Cha lo cho cơm no, mẹ lo cho mặc ấm, thầy dạy hiểu biết đạo lý làm người. Con người được gọi là thành người là người có học. Khi xưa, vị trí của người thầy trong xã hội được tôn vinh tuyệt đối. "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Một học trò thường chỉ học với 1-2 thầy, dù không thi đỗ đạt cũng được mọi người xem trọng là người có học. Bởi những gì học trò lĩnh hội được từ thầy dạy sẽ áp dụng, thể hiện trong cuộc sống, một lối sống chuẩn mực để không bị chê trách, hổ thẹn với lương tâm.

Để bắt kịp tri thức thời đại, nền giáo dục nước ta không còn khép kín mà tiếp thu học thuật bốn phương, mở rộng nhiều môn học tự nhiên và xã hội theo tri thức mới. Khi Tổ quốc độc lập, thống nhất, được đi học không còn hãn hữu ở một số người. Toàn dân đều được học tập. Một học trò được học với rất nhiều thầy. Thời lượng các môn học dạy làm người như giáo dục công dân và văn học chiếm tỉ trọng rất thấp trong chương trình học. Xã hội tiến lên với kiến thức đồ sộ để cạnh tranh, chinh phục hơn là nhân văn.

Tuy vậy, nhân cách nhà giáo vẫn được gìn giữ như vốn quý ở đa số người thầy trong hiện tại. Khi đã chọn nghề dạy học thì người thầy đã chọn cho mình một nghề không cho phép bản thân được sống buông thả. Dù giàu hay nghèo, tư cách người thầy vẫn phải được thể hiện chuẩn mực trong lối sống. Bởi thế, mỗi người thầy là một điểm sáng ảnh hưởng mạnh đến gia đình, xã hội trong một bán kính nào đấy, nhất là khi người mẹ là người thầy.

Sự giáo dưỡng con cái của những người mẹ theo nghề dạy học khác với những người mẹ khác bởi tính nghề nghiệp. Mẹ trở thành người thầy thật sự đầu tiên của đứa con. Đứa trẻ được sống trong môi trường sư phạm từ ấu thơ. Lối sống của người mẹ làm thầy ảnh hưởng trực tiếp, có tính giáo dục rất mạnh trong việc hình thành nhân cách của con. Những đứa con như thế lớn lên và truyền thống được nối tiếp. Những điểm sáng như thế tăng tiến theo cấp số nhân trong xã hội, bảo tồn tính nhân văn.

Trong chúng ta ai cũng có ít nhất một người thầy, bởi "có học mới có khôn". Không tôn trọng thầy là không trân trọng trí khôn của mình. Dù cuộc sống có biến chuyển thế nào thì truyền thống "Tôn sư trọng đạo" vẫn được tiếp nối và gìn giữ đời đời.

Tản văn của
TRẦN XUÂN THỤY