Bếp củi mùa đông

Xã hội - Ngày đăng : 07:14, 09/12/2012

Gió mùa đông bấc tái tê tràn về, em bỗng thèm ngồi bên bếp củi. Từ lâu lắm rồi, bếp củi vắng bóng trong cuộc sống nhà mình. Nhớ làm sao những tối mùa đông, cả nhà quây quần bên bếp củi, vừa đun nước, vừa hơ tay, sưởi ấm. Ngọn lửa bập bùng nhảy nhót hắt bóng mọi người lên vách bếp. Những cái bóng cũng nhảy nhót theo. Căn bếp bé tí trong gian nhà tập thể, vào mùa đông ấm ơi là ấm. Hai chị em vui thích ngồi sát gần, sát gần bếp hơn, vì thấy càng ngồi gần, cái bóng của mình càng to hơn bố mẹ. Tàn lửa bắn như pháo hoa và củi đang cháy nổ lách tách như reo. Má chị, má em hồng như cà chua chín. Cái lạnh căm căm ngập ngừng dừng ngoài cửa bếp. Tiếng lửa reo át cả tiếng gió hun hút ngoài kia.

Những câu chuyện bên bếp lửa mùa đông luôn luôn thú vị. Bố là người nêu câu đố. Mẹ, dù biết thừa lời giải, cũng giả vờ nhăn nhó suy nghĩ cùng hai con gái. Mỗi khi có một “đáp án” đúng, hai chị em vỗ tay reo vang, thích thú như thể mình vừa phát minh được một điều gì vĩ đại. Bố gật gù, cầm lấy que cời bếp, khều trong đống than hồng ra củ khoai hoặc khúc sắn mẹ đã vùi một lúc. Cứ sau vài câu đố, là miệng và tay cả bố mẹ lẫn các con đều đen nhẻm bởi ăn khoai, sắn nướng. Cái mùi khoai nướng, sắn nướng thơm lạ thơm lùng, len lén theo gió thơm sang tận nhà hàng xóm. Cũng có lúc câu đố khó quá, qua mấy vòng gợi ý của mẹ mà hai chị em vẫn nhíu mày nhăn trán. Bố nheo nheo mắt hết nhìn con gái lớn lại liếc qua con gái nhỏ, miệng cười cười bí ẩn. Và thảo nào cũng có củ khoai hay khúc sắn cháy oan. Đến khi bố chịu “công bố” lời giải, hai chị em a lên, tranh nhau nhận vơ: “Con cũng nghĩ như thế nhá, nhưng con chưa kịp nói”.

Mẹ không có câu đố nhưng mẹ có thơ và truyện cổ tích. Nghe truyện cổ tích của mẹ lúc cuộn tròn trong chăn ấm, khi đèn tắt tối om có cái thú riêng. Nhưng nghe truyện cổ tích bên bếp củi đang bập bùng cháy cũng thú vị không thể nào tả nổi. Hai  chị em, mỗi đứa  ôm một bên đầu gối bố, mắt không nhìn mẹ mà nhìn vào vách bếp. Ở đó có những cái bóng đang nhảy nhót. Bóng bố mẹ, bóng con, bóng cái thúng đựng trấu, cái thùng đựng gạo, cái đòn gánh dựng bên đống củi... Những cái bóng trên vách bếp là cả một thế giới thần tiên khác lạ trong lời mẹ kể. Có cả nàng tiên cá xinh đẹp, cả cô Tấm thảo hiền, cả con chằn tinh gớm ghiếc lẫn chú lính chì dũng cảm. Lời kể của cô giáo mẹ dạy văn vô cùng hấp dẫn. Có những đoạn hai chị em nín thở, hồi hộp, có những đoạn bật cười khanh khách, nhưng cũng có những khi cả hai đứa đồng loạt khóc oà. Mấy cái bóng đen đen nhảy múa trên tường cũng biến hoá khôn lường theo từng câu chuyện kể. Bên bếp củi, buổi tối mùa đông nào cũng ngắn. Hết tiết mục câu đố của bố, kể chuyện, đọc thơ của mẹ là tiết mục hát múa của hai cô con gái. Cái “sân khấu” bên cạnh bếp lửa mới chật chội làm sao, thế mà cũng đủ cho chị và em thi tài để thỉnh thoảng mẹ phải giơ tay ngăn: “Cẩn thận không thì ngã vào bếp bây giờ”. Những đợt mưa dầm lâu ngày, ngồi bên bếp lửa mẹ còn tranh thủ hơ quần áo cho khô. Và thế là những cái áo sợi mặc mùa đông của hai con gái, thỉnh thoảng lại có một vết ám khói ố vàng.

Bốn người nhà mình quây quần quanh bếp lửa mùa đông, tưởng như cuộc sống chẳng còn điều gì đủ đầy và ấm áp hơn. Gian bếp con con suốt những buổi tối mùa đông ngào ngạt mùi ngô, khoai, sắn nướng. Ngồi bên bếp lửa, mọi người trong nhà có thói quen cầm tay nhau. Thi thoảng, bố tiếp thêm củi mới, hai chị em lại tranh nhau phồng miệng thổi, cho lửa bắt vào củi nhanh hơn. Khói bốc lên cay cay làm mắt giàn giụa nước.

Bây giờ vẫn mùa đông mà không còn bếp củi. Nấu cơm, cứ nhìn ngọn lửa xanh lét của bếp ga mà tự nhiên thấy lạnh lẽo quá chừng. Những cô công chúa ngày xưa đã thành những bà mẹ tất bật và rất nhiều mỏi mệt. Mỗi đứa một nhà. Cũng gần thôi mà cứ thấy xa lăng lắc như mỗi đứa một phương. Chỉ ngày Tết, ngày giỗ mới tụ tập được mà cuộc nào cũng vội vàng, hối hả. Phận làm dâu, làm vợ, việc nhà chồng mới là việc chính, việc nhà mình lại thành việc phụ, nhiều khi đảo qua như khách. Lắm lúc nằm chưa kịp ngủ, mơ hồ nghe tiếng gió mùa đông bấc ngoài cửa, thấy thèm mùi khoai nướng và một bếp củi rực rỡ những tàn lửa bắn pháo hoa. Thèm nắm tay bố, tay mẹ, tay chị để thấy hơi ấm toả, không từ bếp lửa mà từ những tiếng cười. Để thấy ánh lửa trong mắt bố, trong mắt mẹ lung linh...
Không có bếp củi, không có ai phồng má thổi lửa mà sao mắt cay đến thế?

Tản văn của VIỆT NGA