Mùa rươi quê tôi

Xã hội - Ngày đăng : 09:44, 23/12/2012

Cứ vào độ cuối năm, khi những cơn gió mùa đông bắc mở đầu tràn về se lạnh, trời bắt đầu mưa bóng mây, chợt mưa, chợt nắng cứ như đùa, gặp nhau, người già than vãn: Sắp đến nước rươi, đau mình quá. Đây chính là thời điểm đánh thức loài rươi ngủ quên trong lòng đất cả năm. Các cụ có câu: “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm”. Lạ thật, cứ đúng vào những ngày ấy là giống rươi vốn chỉ có ở vùng nước lợ lại nổi lên.

Nước sông dâng lên tràn vào cánh đồng, những ruộng lúa vừa gặt, những con mương, con lạch, cứ ở đâu có nước là có rươi.

Quê tôi mùa rươi nổi là cả làng tưng bừng như hội. Cánh đồng rợp bóng người lớn, trẻ con vớt rươi. Mỗi người mang theo cái vợt, cái xoong, cái nồi đồng, thả lềnh bềnh trên mặt nước, say sưa thu hoạch của báu trời ban đến quên cả trưa, đói bụng mấy cũng không chịu về…

Ở dưới lòng đất, rươi nổi lên theo nước đến đâu là đứt đoạn đến đấy. Những con rươi màu hồng bơi lăng xăng, rối rít, loạn xạ như tơ hồng quấn quýt vào nhau.

Thế là cả làng hôm ấy nhà nào cũng có món rươi đặc sản. Nhà này sang nhà kia xin nắm rau răm, lá lốt, quả khế, quả me, quả ớt…và không thể thiếu lá gừng tươi, vỏ quýt. Làng xóm nhộn nhịp như ngày Tết. Trưa, tối nhà nhà bếp đỏ lửa. Mùi rươi thơm lừng lan khắp làng trên xóm dưới.

Không cần đến những đầu bếp chuyên nghiệp, với bàn tay của người bình dân quê tôi, rươi đã có thể chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng và hấp dẫn.

Trước tiên phải kể đến món rươi rán. Rươi vớt về cho vào cái rá vo gạo rửa sạch rồi đánh nhuyễn. Tất cả các gia vị kể trên thái nhỏ trộn đều, nêm chút mắm. Ngày xưa các cụ  rán bằng lá chuối, lót lá xuống đáy chảo đun nóng rồi đổ rươi lên, đậy vung kín, nhỏ lửa đến khi lá chuối sém vàng, lật mặt trước xuống vừa chín là được. Rươi rán lá chuối ăn bùi và ngậy tuyệt vời. Bây giờ, người ta thường rán bằng dầu, ai thích béo hơn thì rán với mỡ lợn; đánh thêm một hai quả trứng vịt, ít thịt nạc vai băm nhỏ. Món này ăn với bún, rau sống và đừng quên pha nước chấm tỏi ớt thật ngon. Nhớ rót cho ông chồng chén rượu nếp cẩm thì chắc là hôm ấy vợ chồng vui lắm đấy...

Món đặc biệt thứ hai là rươi nấu măng tươi. Rươi rửa sạch đánh nhuyễn, các loại rau gia vị thái nhỏ trộn đều. Nếu có củ măng tươi ở quê là tuyệt nhất; ở phố thì măng chua, luộc bỏ nước đi, đổ nước vào nồi, cho khế hoặc me tươi đun sôi cho chín tới, vớt ra lọc lấy nước. Khi nước đang sôi, xúc từng muôi rươi nhỏ thả vào. Phải đun nhỏ lửa để bánh rươi không bị vỡ, từng viên sẽ nổi lên như bánh trôi nước.

Ông chồng mời khách về, giới thiệu món rươi đặc sản vợ nấu măng, nhấm nháp với rượu nếp quê, để có cơ hội tự hào về vợ mình nhà quê mà đẹp nết, đẹp người, lại có bí quyết nấu rươi ngon đến nhớ đời…

Các cụ còn làm món rươi kho. Đánh nhuyễn rươi và gia vị, mắm muối vừa đủ, cho rươi vào nồi đất vùi trong bếp trấu cứ thế cháy âm ỉ cả ngày, bắc ra mở vung, rươi chín vàng cháy sém xung quanh nồi, bốc mùi thơm đặc biệt. Tháng mười ăn rươi kho với cơm gạo mới ngon không bút nào tả xiết.

Muốn để được lâu dài, phải làm món mắm rươi. Nhớ bà ngoại tôi nhất thiết năm nào cũng làm món mắm rươi ăn Tết. Đánh rươi nhuyễn, rồi một cân rươi, hai lạng muối trộn đều, cho vào hũ sành đậy chặt nắp. Sau một tuần, lại cho thêm một chén rượu trắng cũng trộn cho đều. Để hũ mắm yên vị đấy cho những “phản ứng hóa học” diễn ra, chờ đến Tết là vừa dùng  được. Mắm rươi chưng với gừng và thịt ba chỉ băm nhỏ, ăn với hành nén và thịt luộc. Ai đã ăn một lần là không thể nào quên.

Bà ngoại bảo: “Con là gái nhà quê, cái món rươi tuy dân dã nhưng không phải ở đâu cũng có, nó rất khó tính, phải đủ gia vị và biết nấu. Con nhớ học bà và mẹ làm lấy, sau này còn biết mà chiều chồng, chiều khách con ạ!”

Tôi không bao giờ quên những món rươi đặc sản quê nhà. Năm nào tôi cũng mua rươi về rán, nấu, rồi dâng lên ban thờ cúng ông bà, cha mẹ. Mỗi năm đến nước rươi từ trong sâu thẳm tâm hồn, tôi lại nhớ cái mùi rươi đặc trưng. Hình ảnh quê hương với trăm mến ngàn thương cứ đằng đẵng theo tôi đi suốt cuộc đời!

Tản văn củaNGUYỄN  THỊ THÚY NGOAN