Tìm lại góc làng
Xã hội - Ngày đăng : 16:07, 26/06/2013
Không biết cây sung ấy có từ bao giờ. Cả bà cụ bán hàng nước dưới gốc sung cũng không biết tuổi của nó. Nhưng đứng dưới cái gốc sung đậm màu rêu xỉn, pha đốm mốc như nốt đồi mồi trên bàn tay người già, tôi chắc nó cổ kính không kém gì bà cụ bán hàng, tóc bạc phơ đang bỏm bẻm nhai trầu trong ngôi quán nhỏ kia. Gốc sung bám vào bờ, thân ngả ra con ngòi nhỏ, cành lá loà xoà một khoảng rộng và trên những cành xù xì, chi chít sẹo, vẫn xúm xít những chùm quả đỏ, xanh như những túm bi màu. Và lá sung xanh non đến không ngờ. Bỗng thấy ngộp thở khi cảm nhận rõ sự non mởn, mỡ màng của sự sống bật ra trong cái xù xì, lấm láp, cỗi cằn của già nua. Giữa ngổn ngang vôi vữa, ầm ào bán mua trong con phố của thị trấn tấp nập, vốn là một làng quê, cây sung và cả ngôi quán nhỏ dưới gốc nó kia cứ như đầu nam châm hút tôi lại. Ngỡ ngàng! Không lạ sao được khi càng ngày những rặng tre, những khóm trúc, những cây sung, lùm duối càng ít hiện hữu ở làng quê.
Khom người, tôi luồn vào ngôi quán nhỏ, dựng ngay dưới gốc sung. Quán cổ, mái hình chữ V ngược lợp bởi những lá cọ già. Tường quán cũng chính là ghế ngồi cho khách. Sau lưng cụ chủ quán, một ô cửa nhỏ trổ ra phía con ngòi, rập rờn những cánh bướm chao. Hàng hoá không bày trong tủ kính. Vả lại cũng chẳng có chi nhiều nhặn để phải bày vẽ tủ kính làm gì. Tất cả đều được bà cụ bán hàng trải ngay trước mặt khách, trên mặt phẳng của tấm chõng tre hình chữ nhật. Dăm gói kẹo lạc, mấy túi đậu phộng, vài túi quẩy nhỏ, đôi ba gói thuốc lào... Sang nhất quán có lẽ là chục trứng vịt đựng trong chiếc rổ con... Tích nước chè tươi ủ kỹ và cái điếu cày bằng gộc tre đã lên nước, bóng loáng màu mật mà cụ chủ hàng dựng trong góc quán.
Hít hà hương thơm từ bát chè tươi đặc sánh, trong như màu hổ phách, nhấp nháp vị bùi ngậy của chiếc kẹo lạc, tôi ngắm nghía cụ chủ hàng. Gần tám mươi, tóc bạc, da mồi, cụ sao giống bà cụ đón thị với câu ca "thị ơi thị rụng bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn" trong truyện Tấm Cám đến thế. Câu chuyện cụ kể tôi nghe cứ thập thõm giữa nhịp nhai của hàm răng nhánh hạt na, giữa hương cay nồng thoảng qua của cốt trầu. Bàn tay cụ đều đều giã trầu trong cái cối đồng nhỏ. Ngắm cụ, nghe cụ nói, người tôi như trôi trong dòng chảy của dòng sông cổ tích. Giấc mơ giữa ban ngày của tôi mà cụ là người chắp cánh ấy có tiếng lạc ngựa của chuyến xe thổ mộ cuối cùng từ thị trấn nghèo này chạy sang tỉnh bạn. Tiếng lạc ngựa chạy trong con phố lộc cộc đá cuội, le lói ánh đèn. Phải chăng chiếc xe ngựa của cụ ông mà giờ đây cụ bà đang kể tôi nghe chính là hình bóng chiếc xe ngựa đi đón người nhà khi chuyến tàu đêm cuối cùng đi qua phố huyện một thời trong những trang viết của Thạch Lam? Tôi không dám chắc, cũng không dám hỏi bà cụ bán hàng về điều đó, bởi tôi không muốn cắt ngang dòng chảy của con sông ký ức đang trở về trong cụ.
Câu chuyện của cụ vẫn nhịp nhàng. Cốt trầu vương ra, chạy theo những đường chân chim bên khoé miệng bà cụ như mặt ruộng màu khô nẻ giữa tháng chạp.
Chợt rùng mình. Đã có thời, nghĩ tới làng, tới quê, người ta nghĩ ngay tới cái cổng làng thấp thô dưới bóng cây cổ thụ với ngôi quán nhỏ và bà cụ bán hàng thảnh thơi ngả mình trên võng, kẽo kẹt đếm thời gian. Nhưng giờ đây cả cây sung kia, cả ngôi quán này, cả bà cụ chủ hàng đang bỏm bẻm nhai trầu kia biết đâu một mai cũng không còn hiện hữu. Ai chống lại được cái hữu hạn của đời người? Nhưng không lẽ, những gì ghi dấu ấn một thời, những gì đã từng là hồn vía một thời của làng quê sẽ dần biến đi chăng? Hay người ta sẽ ghém nó lại trong những cây sung cảnh, trong những ngôi quán nhỏ chỉ có ở những cuộc trưng bày?
Giữa phố xá ồn ào của thị trấn thời mở cửa giao thương hôm nay, thật quý khi tìm lại được một góc làng quê xưa cũ. Một góc thôi nhưng gợi lại biết bao thổn thức.
Tản văn của TRƯƠNG THỊ THƯƠNG HUYỀN