Ngày Vu Lan còn mẹ
Xã hội - Ngày đăng : 13:39, 09/08/2014
Ngày lễ Vu Lan, gọi nôm na là rằm tháng bảy, trời cứ mưa sụt mưa sùi. “Chiều nay nhà mình cúng rằm. Nhớ về sớm nhé!”. Cuộc điện thoại ngắn ngủi của mẹ chỉ có vậy thôi. Ba giờ chiều, ngóng ngược ngóng xuôi rồi tôi cầm túi, len lén đi xuống cầu thang. Một nửa cơ quan cúng rằm hôm qua, một nửa còn lại cúng hôm nay. Mỗi hôm có một nửa quân số trốn về sớm, mình không phải là trường hợp duy nhất mà áy náy gì.
Vừa vặt lông gà vừa ngẫm nghĩ về ngày lễ Vu Lan. Sự tích rằng có ông Mục Kiền Liên vốn hiếu thảo, nhưng phải cái bà mẹ nanh ác quá. Khi sống, bà ta gây nhiều tội lỗi, đến lúc chết đi bị đọa đầy không biết bao nhiêu mà kể. Mục Kiền Liên mộ Phật, có tâm tu hành khổ hạnh bèn xin với đức Phật được gặp mẹ mình một lần cho thỏa nhớ mong. Thế nhưng khi nhìn thấy mẹ dưới chín tầng địa ngục, mới hay mẹ đang bị tra tấn, nhục hình. Ông vội xin đức Phật giải thoát cho mẹ. Đức Phật trả lời rằng bà mẹ Mục Kiền Liên đang phải trả nợ những lỗi lầm kiếp trước. Thương xót mẹ, Mục Kiền Liên tìm mọi cách, làm đủ mọi việc để chuộc tội cho mẹ. Lòng hiếu thảo của ông đã động đến cả thiên đình, địa ngục. Mẹ ông được giải thoát, còn ông trở thành tấm gương hiếu hạnh của muôn đời. Ngày lễ Vu Lan là gọi theo đạo Phật, còn trong dân gian, rằm tháng bảy được gọi là ngày xá tội vong nhân, ngày cúng thí cô hồn. Bây giờ, các ý nghĩa ấy hòa nhập với nhau. Trong rằm tháng bảy, người ta vừa cúng cô hồn, lại vừa nhắc nhở những người con phải biết hiếu thuận với mẹ cha mình. Tục lệ cài hoa hồng cho những người con trong lễ Vu Lan không biết xuất phát từ ngôi chùa nào trong Nam, giờ lan ra Bắc. Người ta cài hoa hồng đỏ lên ngực áo những người còn mẹ, và cài hoa hồng trắng lên ngực áo những ai không còn mẹ. Đến chùa ngày lễ Vu Lan, nhìn hoa hồng trên áo là biết những ai mất mẹ, những ai còn mẹ. Những bông hồng ngát hương như lòng con hiếu thảo. Những bông hồng nhắc nhở chức phận làm con…
Nghĩ lan man mãi rồi lại quay sang… ngắm mẹ. Sáu mươi mốt tuổi, tóc mẹ đã bạc nhiều. Những lần gội đầu, mẹ thường xõa tóc hong cho khô, rồi ngồi trước một cái gương, tự nhổ tóc trắng. Mẹ cứ nhìn gương mà nhổ, cũng “tiêu diệt” được rất nhiều tóc trắng. Thi thoảng rảnh rỗi, tôi sà vào, nhổ được vài cái là lại đứng lên. Một lần, vạch đầu mẹ ra, đứa em gái la lên: “Mẹ nhổ làm gì nữa. Sắp bạc trắng toàn tập rồi còn gì”. Nghe mà giật mình. Mới ngày nào tóc mẹ còn đen, dày, dài tận khoeo chân. Mới ngày nào mẹ còn trẻ lắm, ngày ngày đạp xe đi dạy học, cái cặp sách để ở giỏ xe chứa đầy giáo án với bài kiểm tra của học trò. Đường xóc, cái hộp phấn bằng sắt cứ kêu lọc xọc, lọc xọc. Mới ngày nào mẹ còn tần tảo vừa nuôi lợn nuôi gà, vừa chăm đàn con lít nhít. Nhà nghèo, bữa ăn phải độn thêm khoai, thêm sắn, mẹ ngồi đầu nồi, lựa xới cơm cho con; đứa nhỏ được nhiều cơm hơn, đứa lớn phải thêm phần ăn độn. Nhưng bát của mẹ bao giờ cũng nhiều khoai, sắn nhất. Mới ngày nào mẹ còn tỉ mỉ dạy con đan len, dạy con thêu khăn, dạy con may vá. Học lớp một con đã biết đan áo. Học lớp hai con đã biết tự vá áo cho mình. Học lớp ba con thành “bà chủ nhỏ” của gia đình, biết trông em, nấu cơm, nấu cám lợn, quét dọn cửa nhà ngăn nắp từ trong ra ngoài, biết sắp xếp công việc để mẹ rảnh tay lên lớp dạy học trò… Mới ngày nào mẹ tiễn con đi học đại học, với biết bao dặn dò chu đáo xen lẫn cả âu lo.. Mới ngày nào… Thế mà bây giờ, mẹ đã thành một bà già tóc bạc. Thời gian trôi kinh khủng thật. Ngày nào cũng bên mẹ, chẳng nhìn thấy sự tàn phá âm thầm từng chút một của thời gian lên mẹ, nhưng cứ bất chợt giật mình là lại thấy hoảng hốt vì bao nhiêu năm tháng đã qua, không níu lại được. Trước thời gian, con người luôn luôn bất lực!
Ngày Vu Lan còn mẹ, nếu lên chùa hôm nay con sẽ có một bông hồng đỏ cài lên ve áo. Nhưng không hiểu tại sao con cứ nghĩ mãi về những bông hồng trắng, về những người không còn mẹ nữa. Cái cảm giác đi về đến nhà không còn thấy bóng mẹ ra vào, không biết nó chống chếnh khủng khiếp đến mức nào? Không còn những câu chuyện rủ rỉ của mẹ. Không còn tiếng mẹ bảo ban đám cháu ngoại nghịch như quỷ sứ, cằn nhằn mỗi khi chúng ngang bướng, mải chơi… Con cũng chẳng biết khi tất cả những điều máu thịt ấy mất đi, thì con sẽ sống như thế nào nữa. Cho nên, ngày Vu Lan còn mẹ mà con vẫn thấy sợ!
Hạnh phúc nhiều khi giản dị đến nỗi người ta không nhìn thấy, dẫu đang có nó trong tay. Như lúc này đây, con được ngồi cạnh mẹ, cùng nhặt rau, cùng vặt lông gà, cùng chuẩn bị các món ăn cho mâm cơm cúng rằm tháng bảy, cùng bàn tính những công việc lặt vặt trước mắt của gia đình. Ước sao cứ mãi mãi thế này mẹ nhỉ? Cứ mãi mãi những Vu Lan con được cài hoa hồng đỏ lên ve áo…
Tản văn của VIỆT NGA