Tùy bút làng quê
Xã hội - Ngày đăng : 08:15, 27/01/2017
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã rút ngắn thời gian về quê của những người Hải Dương
sống ở Thủ đô -Ảnh: Hoàng Hiệp
Nghĩ đến đây lại nhớ nhà thơ Trần Ngọc Thụ, một chức sắc văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng cấp với tôi nhưng mình là báo bé. Anh Thụ quê Thái Bình, về quê phải qua Phủ Lý, xuống Nam Định, qua phà Tân Đệ. Anh có 6 câu tuyệt “cú mèo”: “Con đường hàng tỉnh tôi đi/Ba mươi năm ấy có gì đổi thay?/Vẫn nhà mái rạ, tường xây/Ven đường ngơ ngác mấy cây xà cừ/Ông lão dong trâu đi bừa/Là con ông lão ngày xưa đi cày”. Chỉ thế mà khái quát được cả thời kỳ trước đổi mới. Một thời kỳ ai có sống qua mới thấm thía hai chữ “bao cấp”.
Năm 1971 miền Bắc vỡ đê lần cuối. Bác Tôn đội mũ cối đi bộ phăm phăm chống lụt với bà con. Tôi dốc tiền mua một yến mỳ sợi, đeo bi đông nước đạp xe qua đường Hưng Yên, vòng sang Thanh Miện cứu trợ bố mẹ đã nghỉ hưu về quê sơ tán. Chỗ nào ngập sâu phải đẩy xe lội nước. Dân làng Chương của tôi sơ tán lên con đường cao chạy từ huyện xuống Đò Neo. Cán bộ xã a lô ra rả nhắc bà con không được bẻ cành lá hàng cây ven đường làm củi nấu nướng. Bà Ph. nổi tiếng hay ca dao đọc luôn hai câu: “Bác Tôn cho gạo, cho mỳ/Không cho bẻ lá lấy gì nấu cơm?”. Nhà thơ Trần Chương con chú con bác với tôi có lần về làng, chào bà Ph. ngồi với cái mẹt bỏng ngô, bánh xốp, ổi, khế: “Chào bà, sao bánh của bà kiến bậu nhiều thế, ai mua?”. Bà cụ nhìn lão ta: “Sao cậu có học, ở tận Hà Nội mà ngu thế. Bánh có ngon kiến mới bậu chứ”. Anh Trần Chương chịu thua. Tôi bảo: “Chả kém gì ông Trạng Trình: Thớt có tanh tao, ruồi đến đậu/Ang không mật mỡ kiến bò chi”. Mãi gần đây vợ chồng tôi về thăm nhà thờ họ mẹ vợ tôi ở huyện Mỹ Hào (Hưng Yên), mới biết làng của vợ tôi còn có cụ Hải Thượng Lãn Ông và bác nhà văn Vũ Trọng Phụng nữa. Cùng một dải đất Hải - Hưng mà lắm nhân tài đất Việt. Giờ có đường cao tốc, một anh bạn làm ở Báo Nhà báo và công luận khoe: “Em phóng ô tô từ Hà Nội 30 phút đã đến Tứ Kỳ. Nhà cũ của các cụ giờ thuê người trông, em trồng toàn cây cổ thụ, gỗ quý. Sang năm em nghỉ, bác cứ về chơi, hơn resort”. Nghe có lý lắm. Nhưng lại chợt nhớ đến tuổi tác và hoàn cảnh mình nay cứ như người “bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước...”
“Quê hương mỗi người chỉ một”. Một nhà thơ đã viết thế và đó là câu chuyện không cần bàn cãi. Đã 50 năm cầm bút và kiếm sống bằng ngòi bút. Nếu bỏ bút chắc không sống thêm được bằng đồng lương hưu cho dù là cấp vụ. Nhưng quê hương bây giờ lại là vấn đề không phải của xã hội mà là của mỗi người, cụ thể là những người nặng lòng với nơi “chôn nhau cắt rốn”. Có hơn 4 triệu người Việt đang sống ở nước ngoài, nói cho chuẩn là khắp năm châu bốn biển. Tôi cũng tự khoe mình đã từng đi khắp bốn châu ba biển. Nhưng vẫn buồn vì có nhiều, nhiều lắm người vẫn chưa một lần về quê kể từ ngày bước chân ra đi, vì nghĩa vụ, vì sinh kế, vì một nghìn lẻ một lý do, ràng buộc... có người chỉ đơn giản vì không... có tiền. Cũng có người như tôi chẳng hạn vẫn về quê vì mồ mả ông bà cụ kỵ còn ở quê. Nhưng sau một số năm nữa con cháu mình thì sao? Đã có một kết luận: đến đời thứ tư chắt sẽ không còn nhớ cụ mình là ai. Đó là quy luật của cuộc sống. Cũng như tình yêu chỉ còn mãi trong trái tim mỗi người.
Chúng ta đều có chung niềm tin vào quê hương, đất nước sẽ vượt qua mọi bão giông đến bến bờ của bình yên, sung túc. Đơn giản vì chúng ta đã sống, chiến đấu và cả đau khổ vì quê hương. Dù có chặt hết bụi tre thì măng lại mọc. Dù có lắm tiền nhiều của, có ông bà giàu đến chục ngôi nhà, tòa nhà, khu nhà, nhưng ai cũng chỉ có một mái nhà thiêng liêng nhất, nơi ta chào đời. Mảnh đất quê hương vẫn còn mãi trong lòng ta. Ta vẫn có bến bờ cuối cùng để neo đậu con thuyền nhỏ, đó là gốc tre làng trong trái tim mình.
TRẦN ĐỨC CHÍNH