Đừng quên rau dại trong vườn

Xã hội - Ngày đăng : 16:13, 20/05/2018

Những ngày sống ở phố, tôi vẫn thường chen chúc từ đầu chợ đến cuối chợ tìm bằng được bà cụ già với mẹt rau cằn cỗi.

Những ngày sống ở phố, tôi vẫn thường chen chúc từ đầu chợ đến cuối chợ tìm bằng được bà cụ già với mẹt rau cằn cỗi. Nay bà đứng chỗ này, mai bà ngồi chỗ khác. Cái dáng nhỏ thó, khắc khổ của bà lẫn giữa chợ bán mua ầm ĩ. Tôi men theo chiếc nón mê, mẹt rau sạch, bát canh ngon để vạch từng xó chợ tìm bà. Mẹt rau của bà không xanh non mơn mởn như những mớ rau tắm đẫm thuốc trừ sâu được bày bán khắp nơi trong chợ. Chỉ vài bó rau muống, mồng tơi, cải ngồng còi cọc. Lòng vẫn đủ vui khi nghĩ đến bát cháo của con, canh ngọt phần chồng được nấu bằng rau sạch. Điều đó chỉ có thể giảm bớt nỗi ám ảnh của một người nội trợ trong thời buổi thực phẩm độc hại tràn lan. Chứ không thể xoa dịu được nỗi nhớ quê hương với không gian yên tĩnh, cảnh vật thanh bình, những con người hồn hậu thật thà. Nhớ đến cả những bụi rau dại mọc trong vườn nhà mẹ. Không nguồn gốc, tên gọi, không đòi hỏi chăm tưới, phân gio, cũng không ai mang ra chợ bán mua. Nhưng vẫn ngọt đến tận những thìa canh cuối cùng trong mâm cơm đạm bạc. Cứ xa quê mới biết đâu chỉ thương ngọn cỏ, chân mây mà thương đến quắt quay ngay cả phận rau dại vườn nhà…

Năm nào mẹ cũng chần chừ phá mấy luống rau già trước nhà. Rau cải thì đã lên ngồng, ra nụ và chuẩn bị nở bung những cánh hoa vàng tươi như đốm nắng xuân. Lúc này ngọn rau rất đắng, ngay cả những chú bò phàm ăn nhất cũng không nuốt nổi. Luống súp lơ, dền cơm đã rạc, lá đầy sâu bọ kéo về đóng kén. Mấy giàn đỗ cũng đã ra hết quả, su hào thì mất mùa. Nhiều lần bố giục mẹ phá đi, làm đất để gieo rau khác. Nhưng mẹ thì cứ tiếc những cây rau dại mọc lẫn trong đám cỏ, trong cả luống rau tàn. Rau dại vườn mẹ đủ ngọt, đủ xanh những bữa cơm gia đình. Rau tàu bay ra quả mẹ hái những ngọn non nhất mang vào luộc. Rau tập tàng nấu canh. Rau càng cua nấu thịt băm. Rau sam nấu với ít tôm đồng xay thì vừa ngon vừa bổ. Còn biết bao loại rau không tên khác, mẹ gọi chung chúng là rau dại. Không cần gieo trồng, hạt rau như có sẵn trong lòng đất cứ thế mà đâm chồi nảy lộc. Cũng không cần làm đất, lên luống kỳ công; chẳng đòi hỏi một thửa đất riêng cho mình, rau cứ hồn nhiên chen chúc trong lùm cỏ bụi cây, trong xó xỉnh vườn nhà. Kỳ lạ thay, ngay cả chỗ đất khô cằn nhất, nơi những nhát cuốc của mẹ cũng chừa ra mà rau dại vẫn cứ xanh. 

Có lần cùng mẹ ngồi nhặt rau ngoài hiên, mẹ nói chớ có khinh những cây rau dại. Ngày xưa nghèo đói, hạn hán kéo dài, cấy lúa lúa chết, tra ngô thì ngô khô không nảy nổi mầm. Ao đầm cũng cạn khô, tôm tép dưới mương cũng chết vì nắng gắt. Lúc ấy may mà có rau tàu bay mọc ngạo nghễ ngoài vườn mà nhiều gia đình đã đi qua mùa đói. Hết tàu bay thì đi nhổ rau má, rau cu sếu, rau tập tàng. Ăn uống kham khổ là thế mà chẳng bệnh tật gì, thời nay đủ đầy lại sinh ra lắm bệnh. Cây dại trong vườn đâu chỉ làm rau ăn mà còn là những vị thuốc quý. Như rau ngổ giúp thanh nhiệt, lợi tiểu. Rau cải trời giúp tan đờm, bớt ho. Nhà có người sốt, chảy máu cam, táo bón hay mụn nhọt, rôm sảy thì hái nắm rau má giúp thanh nhiệt, giải độc. Một bát canh rau càng cua chứa magiê, kali rất tốt cho tim mạch và huyết áp. Con cháu trong nhà bị phỏng mẹ cũng lấy rau càng cua vò nát đắp lên da. Cây cỏ trong vườn mẹ thứ gì cũng hiền hòa…

Dạo gần đây thấy người thành phố bỗng chuộng rau dại lắm. Người này truyền tai người kia, ăn thử một lần thấy vừa lành vừa lạ lạ là mê ngay thứ rau dại quê mùa. Người ta trồng rau má, tầm bóp, càng cua trong những hộp xốp chật chội để trên ban công, sân thượng. Có dịp đi đến miền quê nào cũng tìm tòi để thưởng thức và mang về các loại giống rau. Rau dại chẳng khác gì lọ lem về phố. Chúng được nấu thành nhiều món ăn ngon, được kết hợp với nhiều loại thực phẩm đắt đỏ khác. Nhưng tôi vẫn thèm một bát canh rau dại nấu theo cách giản đơn của mẹ chan bát cơm cũng đủ mát lòng. Lâu không về quê thấy ruột gan cồn cào. Có phải là vì lâu không được ăn một bát canh rau dại…

Tản văn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG