Vọng mãi lời tri ân
Xã hội - Ngày đăng : 07:07, 27/07/2018
Như một khoảng lặng của nhịp thời gian trôi mải miết, một cung trầm sâu lắng trong bản nhạc bất tận của cuộc đời. Đi trong mùa tri ân tháng bảy, ta bồi hồi thắp lên ngọn nến của lòng thành kính và biết ơn dành cho các anh hùng liệt sĩ, con tim ta nghẹn ngào chảy dòng máu nóng tự hào dân tộc. Lời ru tháng bảy vang lên tha thiết hòa vào cây cỏ non sông, gọi các anh về tề tựu trong vòng tay mẹ bao la, ấm áp: “Các anh về lại trong lời ru đất nước/ Lời ru da diết cất lên từ ký ức xa xăm”. Tháng bảy ngân lên những giai điệu trầm buồn mà khắc khoải, như một chuyến hành hương của lòng người quay về nguồn cội, hòa trong âm hưởng thiêng liêng vọng mãi từ trang sử hào hùng.
Tháng bảy bâng khuâng, màu phượng vĩ thắp lửa rực đỏ cả một khoảng trời. Màu đỏ của khát khao tận cùng dâng hiến, của nỗi luyến nhớ đong đầy hoài niệm. Không chỉ tượng trưng cho tuổi học trò mơ mộng, màu đỏ ấy còn thắp lên trong lòng người niềm cảm phục, là hóa thân của sự hy sinh bất khuất, anh hùng: “Ngọn núi nơi anh ngã xuống/ Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa/ Rực cháy lên màu hoa đỏ trước hoàng hôn” (Màu hoa đỏ - Thuận Yến). Cũng vì lẽ đó mà mỗi lần bắt gặp màu phượng đỏ ngợp trời, trong tôi thường xa xăm vọng về những lời ca da diết ấy. Tôi nhận ra màu của tháng bảy chính là màu đỏ sắt son, rạo rực của phượng, của dòng máu nóng thiêng liêng mà lớp người đi trước đã ngã xuống, để một lòng gìn giữ từng tấc đất non sông.
Tháng bảy rưng rức nỗi đợi chờ. Chiến tranh đã kết thúc hơn bốn mươi năm, nhưng tôi luôn tự hỏi liệu chiến tranh có thực sự khép lại với bao tàn dư đau đáu lòng người cùng những day dứt chưa bao giờ thôi thổn thức khôn nguôi... Còn bao nhiêu nấm mồ không tên vẫn lang bạt trên dải đất anh hùng, bao người ra đi theo tiếng gọi Tổ quốc mà chưa trở về? Để rồi những người mẹ, người vợ, người con với tình nghĩa tựa biển trời bao la vẫn mỏi mòn chờ đợi, ngày đêm thao thức cùng vị mặn đắng của những giọt nước mắt nghẹn ngào: “Chờ đợi nào chẳng giống nhau/Con chẳng tin đất nước mình chỉ duy nhất một nàng Tô Thị” (Ngô Thanh Vân). Dù vết thương đã dần lành sẹo, ao sen hồng đã nở hoa trên hố bom ngày ấy, thì ký ức vẫn mãi còn vẹn nguyên, như khoảng trời hào hùng mà cũng đầy khắc nghiệt cho những hồi tưởng về quá khứ. Quay đầu nhìn lại quá khứ chính là cách để ta biết trân quý hiện tại, cũng là bài học của lòng yêu thương và bao dung.
Năm tháng đi qua để lại vệt thời gian khắc khổ trên vầng trán ngoại tôi và mái tóc bạc cũng dần thưa như những chiếc lá khô rụng trước thềm. Ấy vậy mà thời gian nào có làm nguôi ngoai nỗi đợi chờ khắc khoải. Ngoại vẫn gọi các con là “Thằng Hai, thằng Cò, thằng Nhạn”, những cái tên mộc mạc mà thân thương biết mấy. Từng lá thư các con gửi về từ chiến trường ác liệt ngoại vẫn giữ và nâng niu, nhưng những dòng chữ đã nhòe dần sau lớp bụi thời gian và nước mắt của ngoại. Hoàng hôn in dáng ngoại ngồi khắc khoải, ánh mắt rưng rưng nhìn làn khói chiều mỏng mảnh tan dần. Ngoại từng nói với tôi rằng mỗi sợi khói bay lên như một linh hồn trở về với lòng đất mẹ. Cuộc đời mong manh như khói, thoáng chốc bỗng thành hư vô. Ngày ngoại mất, tôi ùa chạy ra cánh đồng chiều và tự hỏi sợi khói nào bay lên là linh hồn của ngoại, để rồi hóa thành cơn mưa tháng bảy rơi xuống lòng người quặn thắt những niềm đau. Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấu được vị mặn của những giọt nước mắt...
Trong những ngày tháng bảy âm vang hào khí anh hùng, triệu con tim ấm nóng của cả dân tộc như hòa lại trong cùng một nhịp đập. Tất cả đều hướng về tri ân những người đã nguyện ra đi vì đất nước, họ đã tạc nên tượng đài của chí khí gan dạ và kiên trung trong tiềm thức mỗi người, lặng thầm dõi theo và nâng bước bao thế hệ con cháu mai sau. Tôi nhớ trong bút ký “Đêm chong đèn nhớ lại”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng viết: “Những người lính hy sinh nơi đây không phải để được phong anh hùng và được thấy hoa tươi dâng trước mộ. Họ chết cho một lẽ duy nhất là khát vọng sống, là đằng sau họ cuộc sống sẽ được thiết kế trở lại trên ấm no, công bằng và nhân phẩm”.
Tháng bảy về, vọng mãi những lời tri ân...
Tản văn củaTRẦN VĂN THIÊN