Khu vườn của nội
Xã hội - Ngày đăng : 14:11, 28/09/2018
Có những lúc thấy lòng ấm lại, mơ tưởng trở về tuổi thơ. Về vườn của bà nội nơi ven đê, tôi sẽ được những vòm lá đón. Mùa thu lá của nhiều loài cây trổ vàng. Nhưng cây trong vườn nội đa dạng nên lúc nào màu xanh cũng hiển hiện. Trong lúc nghe lá rơi, vẫn có thể tận hưởng sắc diệp lục xanh kiệt cùng trong những cọng lá, được chấm phá bởi bầu trời bình yên và con đê cong cong xanh ôm ấp dòng sông Kinh Thầy tuyệt đẹp.
Khu vườn vẫn được bà gìn giữ, bảo lưu trước dòng chảy ồn ã của cuộc sống. Bà vẫn chăm vườn, chăm cho những cái cây xanh tốt để mỗi khi các con cháu chùng chình nỗi nhớ quê lại trở về. Về vui tíu tít trong vườn bà, khơi nụ cười bà, chứ bà già lắm, không còn sức để thu hoạch những mùa quả. Mùa thu hoạch bà giao cho chị Thu, cháu dâu trưởng thu hái. Anh Đức công tác trên thị trấn, sáng đi tối về nên có điều kiện quây quần bên bà. Quả trong vườn được hái sẽ đem bán cho mấy chị buôn bán nhỏ cuối làng. Đồng tiền kiếm được chị Thu gửi bà để lo việc trong họ mạc, thăm người ốm đau. Tiền bán quả ít ỏi nhưng khiến bà nội vui. Bà bảo chăm vườn tược cốt để các con cháu về có chỗ mà vui chơi, thưởng thức những thứ quả quê hương cho ngọt mát, cho da diết nhớ quê và lúc nào cũng hằn in ngôi vườn trong lòng.
Tôi nghe lá thủ thỉ. Thủ thỉ rằng lá vẫn xanh màu thủy chung. Xanh như ước vọng thuở thiếu thời của tôi ngày nào, là được đi khắp thế gian tìm hiểu về những ngôi vườn. Có lần tôi đã nói với cô bé hàng xóm rằng mình ao ước tất cả thế gian này đều tràn ngập những khu vườn. Khi đó, thế gian sẽ có rất nhiều hoa quả. Càng nhiều hoa quả thì con người càng sống sung sướng, no đủ. Cô bé hàng xóm cười khúc khích như nắng thu vờn hương ổi.
Năm ấy, mỗi khi vào vườn, tôi thường đọc những câu thơ trong sách giáo khoa của một nhà thơ được nhiều người mến mộ: “Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện/Sẽ được nhìn thấy các bà tiên/Thấy chú bé đi hài bảy dặm/Quả thị thơm, cô Tấm rất hiền…”. Cô bé hàng xóm lại cười tít mắt. Một nụ cười hồn nhiên mà ám ảnh. Chúng tôi hay nài nỉ bà kể chuyện cho chúng tôi nghe. Bà kể và chúng tôi nhắm mắt. Câu chuyện có lẫn những giọt nắng nhẹ, tiếng chim chuyền cành, tiếng đung đưa của những trái thị vàng trong vườn. Tôi tưởng tượng rằng cuộc đời mình sẽ có cô bé hàng xóm ở bên.
Thời gian chớp mắt thoi đưa. Nỗi nhớ cứ chất lên những hàng cây kỷ niệm. Lá vườn nội đã bao mùa thay, tôi không nhớ nữa. Tôi đi học còn em ở nhà. Mối duyên se cho em với người trong xóm. Chúng tôi cứ như sen mùa hạ, cúc mùa thu. Không còn những ngày em cùng tôi vạch lá ổi tìm quả chín. Sau này mỗi mùa thu tôi về, nội vẫn nhắc thi thoảng cô bé hàng xóm trở về nhà bố mẹ đẻ, đứng nép bên vườn dõi sang, như muốn vọng về một thời quá vãng. Thời của những người có duyên nhưng không có phận. Nghe nội kể mà lòng tôi man mác buồn. Nhìn lên cây, soi mặt xuống giếng nước, tôi tự hỏi ngọn gió trẻ con, ngọn gió mơ ước năm xưa đã cuốn những chiếc lá thu thuở thiếu thời của tôi đi đâu? Rồi chợt thấy khóe mắt cay cay, mà bước chân không thể hồn nhiên như trước…
Giờ là mùa quả thơm nơi quê nhà. Nếu gọi mùa xuân là mùa thi hương thi sắc của muôn loài hoa, thì mùa thu là mùa trảy hội của bao thứ quả quê nhà khi đã đủ một vòng đời uống nguồn dinh dưỡng đến no thỏa, căng mẩy, chắc nịch, rồi chín. Quả chín có vị thơm, không gì che giấu. Chị dâu xăng xái hái ổi tiếp em, lo bán hàng rồi lại dọn dẹp cơm nước. Trước đây bà nội là người chỉ huy ngôi vườn, thì bây giờ việc đó chị làm thay.
Tôi ra mở cửa vườn, lòng lâng lâng ngỡ như em và mùa thu vừa ùa qua cánh cửa tre giản dị. Là lá, là gió, hay là em, mà hương thu vấn vít? Quả đang chín đầy mùa. Tim tôi cũng đang chín với cây vườn, với chuỗi ký ức da diết chẳng thể nào xếp vào quá vãng. Tôi tìm mình ở lối rêu. Tôi hỏi bước chân mình trên thảm lá khô, rồi chập chờn trong thanh vắng, lại hỏi những chiếc lá còn đậu ở trên cành? Làm sao thu chở tôi về mùa cũ, cho tôi gặp em thuở nào. Cho tôi được là tôi trong ngôi vườn đượm hương của nội. Để sống giản dị và yêu như nội đã từng yêu. Nhớ như nỗi đợi chờ của nội với người trai ra trận năm Mậu Thân ấy.
Hỏi lá hỏi quả rồi hỏi mình. Có phải tôi lơ đãng đánh mất cơ hội làm đẹp đời mình bằng người con gái đã da diết chiếm trọn con tim? Hay tôi bị bào mòn cảm xúc bởi ước muốn những thứ lấp lánh nơi đô thành. Tôi đã yêu và đã đi, vậy hà cớ gì phải buồn thương! Lòng lại nhủ lòng, có những khoảng trời đẹp nhưng thường trôi qua rất vội, thì đành cúi xuống nhặt lên những chiếc lá của mùa thu cũ, mà ủ ấm ký ức, ý nghĩ mình, để lật trang khác cho mùa thu thay áo. Đành rằng mùa thu vẫn trở lại, nhưng tuổi trẻ thì không. Nên có những điều phải nghĩ khác để sống khác, phải không lá vàng?
Tản văn của NGUYỄN VĂN HỌC