Nhớ mùa rươi nổi

Xã hội - Ngày đăng : 14:23, 09/12/2018

Đêm qua, trong chập chờn cơn mơ, tôi thấy mình vẫn là một đứa bé hơn mười tuổi tay cầm vợt, tay cầm chậu thau nhỏ chạy trên đường dọc con mương làng để hớt rươi cùng đám trẻ con và bao người lớn trong xóm.

Đêm qua, trong chập chờn cơn mơ, tôi thấy mình vẫn là một đứa bé hơn mười tuổi tay cầm vợt, tay cầm chậu thau nhỏ chạy trên đường dọc con mương làng để hớt rươi cùng đám trẻ con và bao người lớn trong xóm. Nước mương mới được tháo từ sông vào, còn hồng hồng chất phù sa. Nước lên mấp mé bờ. Những con rươi gặp nước, gặp mùa bắt đầu chui khỏi lòng đất, bơi lên mặt nước. Chúng tôi đứng trên bờ, đưa chiếc vợt có cán dài ra để hớt. Thích thú, cười đùa, vui như đi lễ. Tôi cố nhoài người, chìa cán vợt chao cho được con rươi hồng to đang bơi sang phía bờ bên kia. Bỗng “ủm”. Tôi ngơ ngác, bì bõm dưới dòng mương mát lạnh. Tiếng cười vang vỡ òa mặt nước.

Giật mình tỉnh dậy, thấy tiêng tiếc, nhớ thương một thời xưa cũ với mùa rươi nổi. Ngày ấy, quê tôi chưa đổi thay nhiều như bây giờ. Đồng ruộng còn mênh mông và hoang sơ lắm. Đặc biệt, việc canh tác, trồng trọt còn rất thủ công, chưa có sự tác động nhiều của công nghệ, của thuốc men hóa chất. Có lẽ vì vậy mà các sinh vật phát triển rất tự nhiên, trong đó có rươi. Nó là đặc sản của vùng đất Hải Dương quê tôi. Có người lần đầu tiên nhìn thấy nó đã rất sợ hãi, bởi nó có hình thù giống như một con rết. Nhìn vậy thôi, chứ rươi lành lắm, mềm yếu lắm. Chính bởi vậy, ở quê tôi, từ người lớn cho đến những đứa con nít, có ai sợ rươi bao giờ. Chỉ chờ tầm tháng9, tháng 10 âm lịch, khi con nước nổi, rươi ngoi lên là chúng tôi lại hào hứng đi hớt. Trẻ con hớt rươi. Người lớn cũng có khi bỏ dở công việc để đi hớt rươi. Những thửa ruộng ven đê, khi nước lên, rươi cũng nổi đầy. Thế là đâu đâu cũng có người tay vợt, tay chậu. Tiếng cười đùa, tiếng ới gọi cứ râm ran khắp cả cánh đồng. Những chú rươi cứ tung tăng bơi lội dọc ngang, vào đến chậu rồi vẫn trườn mình như đang bơi dưới nước.

Tôi cùng mọi người chân lội mò mẫm trên bờ ruộng ngập nước, mắt chăm chú nhìn mặt nước. Vào buổi rươi nổi nhiều, có người giỏi hớt cũng được một hai cân. Nhìn những chú rươi xanh, đỏ, hồng mũm mĩm, nhung nhúc trong chậu, người ta nghĩ đến món rươi đánh trứng chiên chả lá lốt, rươi kho quả chay, rươi nấu canh. Có khi là để làm mắm rươi. Mới nghĩ thôi đã đủ thấy thèm thuồng rồi. Nhưng rươi là loại đặc sản (người ta hay gọi là “rồng đất”), rất đắt nên nhiều nhà hớt được chẳng dám ăn hết. Trong đó có gia đình tôi. Cứ mỗi mùa rươi, lâu lâu mẹ để lại một ít làm chả cho lũ con đỡ thèm, còn lại mang đi bán. Nhiều cũng bán, vài lạng cũng bán. Cả trăm ngàn một cân rươi. Bởi vậy, các món ăn từ rươi đối với chị em tôi luôn là sự háo hức, chờ đợi.

Đến bây giờ, nhà cửa mọc lên san sát, đồng ruộng được cải tạo nhiều nên rươi ít nổi. Một số vùng quê tôi họ nuôi rươi. Cũng đến mùa nước là rươi nổi. Của nhà ai nhà ấy hớt. Thì đấy, rươi vẫn còn, đâu có mất đi. Nhưng tôi thấy tiếc là bởi không còn những buổi mọi người í ới gọi nhau đi hớt rươi nổi ngoài bờ mương, cánh đồng. Rươi ngày ấy không của riêng ai. Rươi lúc đó của đất, của trời. Vui lắm! Thương lắm!

Tôi giờ lập nghiệp ở xa, một nơi hoàn toàn xa lạ với con rươi nên lâu lắm rồi không nhắc đến nó. Tưởng như đã quên mất kỷ niệm tuổi thơ một thuở. Vậy mà trong sâu thẳm ký ức, hình ảnh về rươi vẫn chiếm một góc nhỏ, để rồi trỗi dậy trong cơn mơ theo mùa nước nổi. Tự nhiên tôi lại thấy thèm là một đứa trẻ thơ tay vợt, tay chậu bì bõm lội ruộng đi hớt rươi. Vui biết mấy!

Tản văn của TRƯƠNG THÚY