Sớm xuân nay
Xã hội - Ngày đăng : 11:02, 04/03/2019
Sớm nay, một sớm đầu xuân, tôi lại đi trên con đường thân thuộc của mình, nhưng sao lòng rộn ràng đến thế. Nhìn đất, nhìn trời thấy cái gì cũng mới, cũng đẹp. Hàng cây kia đang hớn hở đón những hạt mưa xuân nhè nhẹ rơi. Đâu đây vài ba tiếng chim ríu rít chuyền cành. Con đường làng rộng rãi thênh thang như đẹp hơn. Người đi lại tấp nập, người nào người nấy nét mặt hoan hỉ, tươi vui, náo nức: “Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn” (*)… Những tà áo dài bay trong gió, trong làn mưa xuân lâm tấm rơi, đôi má thiếu nữ như ửng hồng thêm trong tiếng trống hội làng đầu xuân. Tiếng hát tha thiết đằm thắm của các liền anh liền chị cứ xoáy vào nỗi nhớ: “Trầu này trầu tính trầu tình/ Ăn vào cho đỏ môi mình môi ta”.
Nghe tiếng hát quan họ mà lòng bồi hồi, vấn vương, nhớ đến những tà áo mớ bẩy mớ ba, nón ba tầm nghiêng che những năm tuổi thơ theo mẹ đi hội làng, để bây giờ lòng rộn ràng: “Tôi đi giữa buổi đầu ngày - đi giữa/ Buổi đầu xuân đi giữa buổi đầu tiên” (**)
Tha thiết, đằm thắm, quê hương ơi, lòng ta yêu biết mấy trong buổi sớm đầu xuân này, ta dang tay đón gió, đón những hạt mưa mát lành, nhớ những năm xưa lũn cũn theo mẹ về bên ngoại, chạy nhảy tung tăng trên con đường làng lát gạch nghiêng. Qua cổng chùa, qua miếu thờ thành hoàng làng là đến nhà ông bà ngoại. Ông ngoại năm ấy ngoài bẩy mươi, người còn khỏe, quắc thước. Ông ôm ta vào lòng khen nựng: “Cháu ông chóng lớn, bảnh trai giống bố”. Bà ngoại cười đôn hậu: “Giống cả ông ngoại nữa”. Ông vui: “Cháu giống bố, giống ông là đúng rồi”.
… Mấy xuân sau, tôi trở về quê ngoại, không được gặp ông nữa. Ông đã đi xa về với tiên tổ, nhưng hình dáng ông với bộ áo lương dài, đầu đóng khăn xếp, đi giày dẫn tôi ra đình, gặp người làng ai cũng cung kính chào ông và xin chữ ông đầu năm. Ông nói với ông khóa mài mực, xoay nghiên mực tròn đều, đến độ mực sóng sánh ánh mầu bóng, đoạn vén tay áo lương dài, ông cầm cây bút lông đặt trên giấy hồng điều, thảo từng nét chữ như bay lên, khi đậm khi thanh, sắc nét. Nhiều người đứng xem bên cạnh hỏi: “Thưa cụ chữ Phúc ạ?". Ông tôi mỉm cười độ lượng, gật đầu. Người kia dáng oai phong, dữ tướng không dám xin ông chữ Dũng mà chỉ xin ông chữ Nhẫn. Ông cười rung hàng râu bạc: Dũng, làm tướng, cũng phải biết kiên nhẫn, khi đánh, khi đàm, có lúc phải chờ thời.
Cứ thế tôi ngồi bên ông, xem ông thảo chữ nho trên giấy hồng điều biếu những người xin chữ. Lúc sắp trở về nhà, ông viết cho tôi một chữ. Tôi hỏi chữ gì hở ông, ông tôi bảo: Chữ Trí. Ông cho cháu chữ Trí. Làm tài trai như cháu là phải có trí tuệ. Trí tuệ mẫn tiệp mới mong làm nên sự nghiệp… Bây giờ ông ngoại không còn nữa. Lời dạy của ông và chữ Trí theo tôi đi suốt cuộc đời.
Nhớ mùa xuân năm trước, trong buổi thơ Nguyên Tiêu, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương phối hợp với làng tiến sĩ Mộ Trạch (xã Tân Hồng, Bình Giang) tổ chức, tôi được nghe bài thơ của nhà thơ có mẹ họ Vũ - Nguyễn Vũ Tiềm, gốc gác xa xưa, nghe nói cũng từ quê ngoại tôi, anh viết: “Đồng vuông vức như hàng bia tiến sĩ/Cha cày những nét bút nghiên/Mẹ cấy đồng sâu, đồng cạn/Mơ mùa vàng sắc áo Trạng Nguyên”. Càng thấm thía công ơn sâu nặng của cha mẹ, tấm lòng của ông ngoại, luôn mong con cháu học hành thành đạt. Sự học là vô cùng, chữ Trí ông cho, mà tôi chẳng làm được bao nhiêu.
Sớm nay buổi đầu xuân, vẫn con đường dẫn về quê ngoại, kỷ niệm xưa cứ hiện về trong niềm vui: “Sao buổi đầu xuân êm ái thế/Cánh hồng kết những nụ cười tươi”(***)
(*): Thơ Tố Hữu
(**), (***): Thơ Xuân Diệu
Tản văn của VŨ HOÀNG LUYẾN