Sách thân yêu

Xã hội - Ngày đăng : 13:48, 22/04/2019

Từ xa xưa, con người đã khẳng định những giá trị to lớn của sách.

Từ xa xưa, con người đã khẳng định những giá trị to lớn của sách. Cổ nhân từng so sánh sách với vàng bạc: "Di tử kim mãn doanh, hà như nhất giáo kinh" (Để cho con một hòm vàng, sao bằng dạy con một quyển sách). Đọc sách biết giá trị của sách thì mới có ích: "Dưỡng tử giáo độc thư, thư trung hữu kim ngọc" (Nuôi con biết dạy con đọc sách, tức là trong sách có vàng ngọc). Nhà bác học Lê Quý Đôn thời hậu Lê, thế kỷ XVIII trong sách "Vân đài loại ngữ" cũng nhận thấy: "Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì không thể làm văn được"...

Cũng vì sách có tác dụng, có sức mạnh như vậy nên từ thời cổ Trung Hoa, bạo chúa Tần Thủy Hoàng đã ra tay "Phần Nho, khinh thư" (Đốt sách, giết học trò) chỉ vì sợ sách giúp thiên hạ nổi lên chống lại chế độ tàn bạo của mình. Trong suốt hơn nghìn năm đô hộ nước ta, phong kiến phương Bắc cũng thường tịch thu, chiếm đoạt nhiều sách quý của nước ta, hòng tiêu diệt nền văn hóa để dễ bề đồng hóa dân tộc ta. Nhưng họ đã thất bại.

Sách là tổng hợp tri thức, là tinh hoa trí tuệ của nhân loại. Người có học, có sách. Người có sách là người có học. Sách là cửa sổ mở ra vô cùng, vô tận sự hiểu biết về con người, thiên nhiên, thế giới và vũ trụ. Đọc sách còn giúp con người được rèn luyện về thể chất như luyện trí nhớ, chống lão hóa, tạo hưng phấn giúp cơ thể tăng phần hoạt động... Đại văn hào Nga M.Gorki viết: "Càng đọc tôi càng thấy lành mạnh hơn, làm việc sung sức hơn, tất cả những gì tốt đẹp mà tôi có là nhờ ơn sách...". Trong thời đại văn minh ngày nay nhà nước nào chẳng quan tâm hết mức đến việc học và đọc. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng kêu gọi cán bộ nhà nước tích cực đọc sách cho dân được nhờ...

Nhà thơ Tế Hanh (tác giả bài Nhớ con sông quê hương nổi tiếng) còn so sánh sách với tình yêu. Khi ông tuổi đã cao, sức đã yếu, không còn được đi đây đi đó giao lưu với bạn hữu được nữa thì sách là người bạn tri kỷ, tâm tình, gắn bó nhất của mình: "Sách ơi! Tình yêu đẹp nhưng không bền bỉ/Ốm đau nhiều, đôi lúc bạn bè xa/Chỉ có sách một niềm chung thủy/Sách chẳng bao giờ nỡ bỏ ta...".

Sách không chỉ là người bạn, mà còn là người thầy. Đọc sách là con đường tự học. Nhiều người chỉ tự học mà vượt lên hơn trăm nghìn người. Trên thế giới đã có nhiều tấm gương như thế... Lê-nin, Bác Hồ... là những tấm gương tiêu biểu sáng chói của nhân loại. Lê-nin từng đọc đến hàng vạn, hàng chục vạn cuốn sách mới lật ra được bộ mặt bóc lột tàn nhẫn của giai cấp tư bản, mới mở ra được con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cho nhân loại, trở thành một lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản. Bác Hồ kính yêu của chúng ta, từ thuở nhỏ đã luôn không ngừng đọc sách, tự học qua sách, nên mới trở thành một người thông kim bác cổ, thông thạo rất nhiều ngoại ngữ, mới tìm đến được chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phất cao ngọn cờ đầu giải phóng dân tộc, trở thành lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, một nhà thơ lớn và một danh nhân văn hóa thế giới.

Thời kháng chiến chống Mỹ, vượt Trường Sơn muôn vàn gian khổ và ác liệt nhưng vẫn có rất nhiều chiến sĩ mang theo trong ba lô những cuốn sách quý, như Thép đã tôi thế đấy, Bất khuất, Sống như Anh, Những lá thư từ tiền tuyến... để những lúc có điều kiện lại mở đọc cùng nhau. Nhờ đó mà tinh thần của các chiến sĩ luôn vững vàng, ý chí chiến đấu, chiến thắng luôn được phất cao...

Ngày nay, thời đại công nghệ tiến nhanh như vũ bão, văn hóa nghe, nhìn phát triển mạnh... nhưng cũng không thể phủ nhận giá trị to lớn của sách in.

Tản văn của THANH THẢN