Đợi

Xã hội - Ngày đăng : 14:51, 05/05/2019

Đợi là một việc bình thường, luôn diễn ra hằng ngày của cuộc sống, của mỗi người. Trẻ em sớm sớm đợi nhau đến trường. Các bà, các chị đợi nhau đi chợ...

Đợi là một việc bình thường, luôn diễn ra hằng ngày của cuộc sống, của mỗi người. Trẻ em sớm sớm đợi nhau đến trường. Các bà, các chị đợi nhau đi chợ. Đi đâu xa thì đợi tàu, đợi xe. Trai gái yêu thương nhau đợi ngày hôn lễ. Người yêu, người vợ tiễn người yêu, tiễn chồng ra trận đợi ngày chiến thắng, cùng trở về sum họp, tròn đầy hạnh phúc. Các bà mẹ liệt sĩ đằng đẵng đợi chút hài cốt của con được đưa về nghĩa trang quê nhà...

Có những cuộc đợi chờ chỉ dăm, ba phút. Có những cuộc đợi hàng tiếng, vài tiếng đồng hồ. Lại có những cuộc đợi, phải chờ đến năm năm, mười năm và có khi là cả cuộc đời... như những người vợ, người mẹ chiến sĩ.

Trong muôn sự đợi chờ thì sự đợi chờ của những người vợ tiễn chồng ra trận là ấn tượng nhất, sâu sắc nhất. Hình ảnh những người vợ ấy đã in sâu trong nhiều áng văn chương kim cổ làm lay động lòng người, làm những đôi mắt người đời phải tuôn rơi biết bao dòng lệ. "Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy/Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu/Ngàn dâu xanh ngắt một mầu/Lòng chàng, ý thiếp ai sầu hơn ai..." (Chinh phụ ngâm - Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm dịch). "Em ơi đợi anh về/Đợi anh hoài em nhé/Mưa có rơi dầm dề/Ngày có dài lê thê/Em ơi em cứ đợi..." (Đợi - Simonov, Tố Hữu dịch). Có những cuộc tiễn đưa, có ngày người trở về đoàn viên, tràn đầy hạnh phúc. Có những cuộc tiễn đưa, người ra đi biền biệt bóng chim, tăm cá: "Đợi anh vợi mùa xuân/Chẳng thấy anh trở lại/Chỉ thấy chim én về/Và hoa đào vẫy mãi..." (Khương Hữu Dụng). Có người vợ chờ chồng mãi không về đã hóa nàng Tô Thị: "Ba lô còn vọng tiếng bom/Vợ ai lên núi làm hòn Vọng Phu"  (Hoàng Nhuận Cầm)...

Ấy là những hình ảnh trong văn chương... Những người phụ nữ ngày nay họ đã khác. Với khí phách của con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, họ đã biết nén đau thương đứng dậy sống đẹp với cuộc đời: "Bây giờ đầu đã bạc/Mắt đã mờ/Người vẫn chờ không hóa đá..." (Lê Hường)...

Không biết trên thế giới có phụ nữ ở đâu lại son sắt, thủy chung như người phụ nữ Việt Nam? Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc ta, đã có biết bao nhiêu phụ nữ chờ chồng, chờ người yêu ra trận đến năm năm, mười năm... và lâu hơn nữa. Người phụ nữ miền Nam đợi chồng đi tập kết ngoài Bắc đến tận ngày toàn thắng, đằng đẵng 21 năm. Có người chờ người ra trận đến lúc mái tóc trắng đầu, rồi đành ở vậy: "Một mình một mâm cơm/Ngồi bên nào cũng lệch..." (Hữu Thỉnh). Lại có người phụ nữ chờ đến gần hết cuộc đời mới được đón chút hài cốt của chồng con về nghĩa trang quê nhà, về đất mẹ thân thương... như những người mẹ, người vợ của những chiến sĩ quân tình nguyện sang chiến đấu giúp nước bạn Lào, Campuchia anh em...

Cứ nghĩ đứng ngồi chờ tàu, chờ xe, chờ sửa đường đã sốt ruột rồi, mới thấy sự chờ đợi của những người mẹ, người vợ có chồng con ra trận kia là sắt đá, là phi thường đến mức nào! Chỉ sự đợi chờ ấy của họ - những người phụ nữ Việt Nam đã thật xứng danh anh hùng rồi! 

THANH THẢN