Tháng 5 nhớ Bác

Xã hội - Ngày đăng : 09:29, 19/05/2019

Có lẽ trên thế giới ít có vị lãnh tụ nào mà kết tinh bao vẻ đẹp như Bác Hồ kính yêu.

Có lẽ trên thế giới ít có vị lãnh tụ nào mà kết tinh bao vẻ đẹp như Bác Hồ kính yêu. Nhà thơ Tố Hữu đã viết về Người: “Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”. Đặc biệt trong bài thơ “Bác ơi”, Tố Hữu viết khi Bác Hồ mất năm 1969 cách đây 50 năm có hai câu thơ đúc kết bao nỗi niềm: “Nhớ đôi dép cũ, nặng công ơn/ Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”. Nhà thơ nhắc đến hình ảnh đôi dép cao su, đôi dép lốp mà những anh bộ đội Cụ Hồ đã vượt Trường Sơn đi đánh giặc. Đôi dép vừa giản dị vừa gần gũi trong hành trình của Bác: “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” hay “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Tháng 5 về chúng ta lại càng bâng khuâng nhớ Bác, nhớ ngày sinh của vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, người đã cống hiến, hy sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc, ấm no, hạnh phúc, hòa bình của nhân dân. Trong toàn bộ di sản Người để lại, bản Di chúc của Bác Hồ có giá trị bất tử, thiêng liêng kết tinh hồn sông núi với trí tuệ, trái tim bao la của Người. Người luôn trằn trọc băn khoăn vì lo nỗi nước nhà với một ham muốn tột bậc: “... đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành!”.

Hình ảnh Bác Hồ với bộ quần áo ka ki giản dị, với ngôi nhà sàn lộng gió. Bác đã mất cách đây 50 năm nhưng hình ảnh của Người vẫn sống mãi. Bác về thăm quê làng Sen thân yêu, tìm theo lối ngõ quen. Bác về Cao Bằng thăm lại hang Pác Bó; về với cội nguồn núi Các Mác, suối Lê nin. Bác cũng đã từng chống gậy lên non xem trận địa... Trong mỗi ngôi nhà của người dân Việt Nam dù biên giới hay hải đảo đều có hình ảnh của Bác ung dung trông xuống dịu dàng.

Có thể nói cả cuộc đời của Bác đều dành hết tình cảm cho nhân dân, cho dân tộc. Cây vú sữa của đồng bào miền Nam tặng trong vườn Bác được Người chăm sóc bây giờ vẫn ra hoa quả ngọt, vẫn lưu lại hình ảnh của Bác tưới cho cây. Đàn cá bơi lội tung tăng trong “Ao cá Bác Hồ” bây giờ vẫn chờ tiếng vỗ tay của Người để lên ăn. Nhịp hành khúc “Kết đoàn” mà Bác là người nhạc trưởng vẫn là truyền thống “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”. Cuộc sống của Bác giản dị biết bao, tâm hồn vĩ đại biết chừng nào! Tháng 5 nhớ Bác, lại nhớ đến cuộc sống giản dị, tiết kiệm của người đứng đầu đất nước, chúng ta càng hiểu sâu sắc rằng, bất cứ ai trên cương vị nào, lứa tuổi nào cũng cần phải học làm theo tấm gương đạo đức của Bác: “Nâng niu tất cả chỉ quên mình” (Tố Hữu). Bởi chính Người bằng cả cuộc đời hoạt động cách mạng đã nêu một tấm gương sáng ngời tự rèn luyện liên tục. Người đã từng viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), thẳng thắn chỉ ra những căn bệnh: chủ quan, thói ba hoa quan liêu, lãng phí, chuộng hình thức hư danh… Những thói hư tật xấu sẽ làm băng hoại đạo đức cách mạng. Đặc biệt, trong Di chúc của Người có những lời thật giản dị, gần gũi nhưng rất đỗi thiêng liêng như: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”…

Tháng 5, về quê Bác tôi cứ bồi hồi xúc động trước những đầm sen ngào ngạt mọc lên từ bùn đen để tỏa ra làn hương thanh khiết trắng trong. Mới biết, nơi sinh ra một vĩ nhân như Bác Hồ kính yêu lại là làng quê thuần Việt mang tên làng Sen - quê chung của mọi người. Ở đó gió đồng thổi mát. Mới biết tâm hồn của Bác lộng gió nhân văn thời đại nhưng lại bắt đầu từ nguồn mạch của những câu ca dao, câu hò ví dặm để những ngày tháng 5 này chúng ta lại càng nhớ Bác: “Yêu bác lòng ta trong sáng hơn/ Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi” như nhà thơ Tố Hữu đã viết…

Tản văn củaNGUYỄN NGỌC PHÚ