Nỗi buồn người làm báo
Xã hội - Ngày đăng : 11:00, 21/06/2019
Một ngày của người làm báo luôn bộn bề giữa những dòng tin, sự kiện dồn dập, vùng đất khác nhau, những gương mặt người mang nhiều cảm xúc… Niềm vui của người làm báo là được chứng kiến và đưa những thông tin nóng hổi, là được tới nhiều nơi không phải ai cũng có cơ hội được đi, là cặm cụi đi tìm sự thật, mang lại lẽ công bằng cho những con người yếu thế nhiều khi không biết trông cậy vào đâu. Người ngoài nhìn vào nhiều khi buột miệng: Làm báo thích thế, bạn bè nhiều khi chặc lưỡi xuýt xoa trước những tấm hình chụp vội khi tác nghiệp. Nhưng những niềm vui ấy đâu phải là tất cả, khoảng tối phía bên trong của người làm báo còn thật nặng nề và sâu thẳm, mênh mông.
Bài báo đã lên trang nhưng ánh nhìn thẫn thờ, cam chịu của người nông dân mất mùa vẫn còn đau đáu tâm can. Sự mong mỏi, hy vọng của những người thiệt thòi hay gặp phải những bất công trong cuộc sống mà không biết trông cậy vào đâu cứ đi theo ta như là món nợ tự mình mang lấy. Món nợ niềm tin ấy ngay chính bản thân ta đã biết là chẳng biết đến bao giờ, có thể chẳng bao giờ ta đáp đền được cho xứng đáng. Người làm báo chỉ là cầu nối, đưa sự thật từ hiện thực cuộc sống tới công chúng và các bên có liên quan. Ta chỉ có thể tìm cách xây cây cầu ấy chân thực, vững chãi bằng tất cả trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp của mình. Còn cây cầu ấy có giúp những nhân vật của ta đến được cái đích họ hằng mong đợi hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều điều khác nữa. Nhiều điều trong số ấy nằm ngoài trang báo, nằm ngoài cả ý chí, nguyện vọng của những người chỉ có cây bút trong tay.
Người làm báo nhiều khi thấy mình giống con dã tràng xe cát. Cặm cụi viết từng bài báo như dã tràng cắp từng chút cát đi ngược dòng rồi lại bị sóng cuốn trôi. Ai làm báo hẳn cũng từng trải qua những lần cảm thấy mình bất lực. Cuộc sống thì bề bộn, ngổn ngang những điều chưa tốt, chưa hay mà mình chẳng thể nào xoay chuyển nổi. Có những điều ta đã thấy, nói năm này qua năm khác nhưng những bất cập, hạn chế vẫn còn nguyên. Có những hậu quả ta đã góp phần cảnh báo nhưng tiếng nói dường như rơi tõm vào thinh không, để rồi mọi chuyện diễn ra như ta từng lo lắng. Có thể có những người làm báo ảo tưởng về thứ quyền lực mình nắm trong tay, dùng nó để ra oai hay làm những điều khuất tất. Song những người trăn trở với nghề đều hiểu quyền lực ấy nhiều khi thật mong manh và chẳng thực sự nằm ở tay mình.
Không phải người làm báo lúc nào cũng “oai” như người ta tưởng. Bao nhiêu lần trầy trật mới xin được cuộc hẹn với những người cần gặp. Bao nhiêu lần tủi thân tưởng chừng rớt nước mắt khi hẹn rồi, đến tận nơi rồi vẫn tay không lủi thủi ra về. Bao nhiêu nỗi xấu hổ, đau đớn cho nghề khi bắt gặp chính những đồng nghiệp của mình trên mặt báo, không phải để vinh danh mà vì họ lợi dụng nghề làm những điều phi pháp. Bao nhiêu là ấm ức, ngậm ngùi khi bị xem thường, đánh đồng với những người chuyên đưa tin giật gân, sai lệch, dùng nghề như thứ đồ trang sức để ra oai với mọi người…
Những nỗi buồn ấy ẩn sâu trong những người làm báo nhưng không kéo họ chìm đi mà giúp họ rèn luyện để ngày một trưởng thành, bản lĩnh vững vàng hơn. Ngày ngày soi vào những nỗi buồn đó, người làm báo tự nhắc mình cần nỗ lực hơn, có trách nhiệm hơn đối với cuộc đời. Những niềm vui có thể cho ta thêm đôi niềm hứng khởi, song những nỗi buồn đeo bám ấy mới là thứ cùng ta kiên trì bền bỉ trên cánh đồng chữ nghĩa, quyết đeo đuổi tới cùng sứ mệnh mang sự thật phơi bày dưới ánh sáng mặt trời.
Tản văn của TIẾN MINH