Về bên mẹ tháng mười

Xã hội - Ngày đăng : 17:54, 20/10/2019

Một chiều thu ta rảo bước trên đường làng về quê mẹ, dọc hai bên đường xuyến chi nở trắng xóa cùng nhụy vàng thắm tươi.

Một chiều thu ta rảo bước trên đường làng về quê mẹ, dọc hai bên đường xuyến chi nở trắng xóa cùng nhụy vàng thắm tươi. Đột nhiên, ta như thấy mình trẻ lại và nhận ra tháng mười chạm ngõ những xốn xang, bâng khuâng yêu dấu ngọt ngào. Mẹ hiền hậu, mái tóc hoa tiêu, mắt cười, dang rộng vòng tay ôm ta vào lòng.

Bao bận như một, về với mẹ tháng mười lòng ta an yên, nhẹ nhàng một cách kỳ lạ. Tháng mười ở quê, cơn heo may đã kịp phất phơ trên ngọn bạch đàn, những chú chèo bẻo sáng sớm gọi nhau về bậu đen kịt trên cành, dáo dác kể chuyện với nhau. Quê thân thương trong mắt những người con xa xứ là một bức tranh yên bình, ngọt ngào dư vị của nắng, của gió lộng và cỏ cây hài hòa sắc lá màu hoa. Bước tới sân nhà là cả một trời nhớ thương. Sân gạch đỏ au năm xưa ta chập chững từng bước, chum nước cạnh hiên nhà là nơi mà mỗi lần đi xa về ta vẫn vục mặt vào để rửa ráy tắm mát. Ta lặng yên bên hiên nhà với khoảng không thinh lặng, bình yên, mùi hơi đất quanh vườn xộc lên ngai ngái, thoang thoảng là mùi thị thơm trong vườn vọng vào…

Về với mẹ tháng mười, để được ăn bát khoai xéo nóng hổi gói trọn cả vị quê hương mẹ nấu. Khoai, nếp ở ruộng, đỗ đen ngoài vườn, lạc ngoài bãi, tất cả hòa quyện làm một, tạo nên một hương vị tuyệt vời. Ta lớn lên có cơ hội thưởng thức những của ngon vật lạ, những món ăn cầu kỳ nhưng tất cả vẫn không thể bằng món khoai xéo mẹ nấu. Món khoai xéo mẹ nấu là ngon nhất. Nhớ những buổi chiều hôm, nắng hanh hao, cả nhà quây quần bên nồi khoai xéo, mẹ chia ra từng phần ăn quên ngày quên tháng. Món ăn nhà quê đó, chắc hẳn rằng trong ký ức của bạn, của tôi vẫn còn bóng hình gợi nhớ. Ngồi bên mẹ, thấy những bon chen xứ người, những áp lực được tan biến đi lúc nào không hay, thấy lòng an yên dịu nhẹ…

Tháng mười, cái rét quê nhà cũng bắt đầu ngọt dần. Thương mẹ lo lắng cho ta từng cái găng tay, chiếc tất. Hồi còn ở nhà, mỗi tháng mười hằng đêm mẹ vẫn cặm cụi đan cho mấy chị em những chiếc áo len. Những chiếc áo len đơn sơ, không cầu kỳ, kiểu cách nhưng nó mãi là những kỷ vật thân thương nhất trong cuộc đời ta, mãi mãi không bao giờ quên được. Chiếc áo len được mẹ đan bằng tình yêu thương vô bờ bến, từ những đêm mùa lạnh thao thức bên ánh đèn dầu leo lét. Những tần tảo ấy ta mãi khắc ghi trong lòng.

Tháng mười, phụ nữ hân hoan với ngày của phái đẹp. Hỏi mẹ, mẹ có hân hoan không, mẹ ngượng ngùng, khoát tay mắng yêu: “Lắm chuyện!”. Cái ngượng ngùng bối rối của mẹ là điển hình cho những người phụ nữ thôn quê. Từ rất lâu, với mẹ không có ngày nào đặc biệt trong đời. Vòng quay một ngày của mẹ chỉ có sự tất bật, làm lụng, chăm lo cho chồng con. Dọc xuôi phố thị, nhìn những người phụ nữ xúng xính quần áo đẹp, hân hoan cho ngày hội của mình, ta rớt nước mắt nghĩ về mẹ, nghĩ về những thiệt thòi mẹ lúc nào cũng nhận lấy về phần mình như một điều hiển nhiên trong cuộc đời mà mẹ nghĩ phải hy sinh. Cái dân dã, chân chất của mẹ, mãi là hình ảnh thân thương, hình ảnh gợi nhớ sâu đậm nhất trong mỗi đứa con quê. Ta tự hào về bà mẹ nông dân ấy. Tự hào được sống và lớn lên trong yêu thương vô bờ bến của bà mẹ quê. Ơn nghĩa sâu nặng, mãi mãi kiếp đời này ta vẫn không thể nào trả hết được cho mẹ. Chỉ có thể trong khả năng ít ỏi về với mẹ trong tháng mười, để mẹ vui, để thấy đứa con năm xưa đang khôn lớn và trưởng thành.

Dòng thời gian cứ mải miết trôi đi, tưởng rằng sẽ có bến dừng nhưng nó lại là một đường thẳng tít tắp. Tháng mười năm xưa tóc mẹ xanh ngời, tháng mười nay mẹ đã già nua, cằn cỗi. Về với mẹ tháng mười và nhiều tháng nữa trong năm để hạnh phúc vì ta còn được bên mẹ, bên những giây phút ngọt ngào. Sợ lắm, sợ vô cùng một ngày nào đó, mẹ rời bỏ ta mà đi, để mình ta chơ vơ giữa cõi đời. Dẫu ít ỏi, hai ngày, một ngày, hay thậm chí nửa ngày nếu có thể hãy về bên mẹ, bạn nhé!

MAI HOÀNG