Vẹn nguyên truyền thống xứ Đông
Xã hội - Ngày đăng : 10:34, 27/10/2019
30.10.1954 mãi mãi là dấu son trong lịch sử hào hùng, là khúc nhạc âm vang bất tận. Rợp trời cờ, hoa, biểu ngữ. Rùng rùng bước chân người tràn ra đường phố, hân hoan đón chào những chàng trai Trung đoàn 42 về tiếp quản thị xã Hải Dương. Nét mặt các anh rạng ngời, bàn tay giơ cao vẫy chào và nhận những bó hoa từ tay các thiếu nữ trao tặng. Hơn 8 giờ sáng, tên lính Pháp cuối cùng bước khỏi cầu Phú Lương, cũng là lúc một hồi còi vang lên trên nóc rạp chiếu bóng Hòa Bình (phố Trần Hưng Đạo), báo hiệu thời khắc lịch sử: Thị xã Hải Dương đã sạch bóng quân viễn chinh Pháp. Và 14 giờ cùng ngày, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại vườn hoa Bảo Đại (nay là Quảng trường Độc Lập). Bí thư Khu ủy khu Tả ngạn Đỗ Mười đọc diễn văn công bố thị xã Hải Dương hoàn toàn giải phóng. Rồi từng đoàn người diễu hành khắp các tuyến đường lớn, trong không khí ngày vui thị xã hòa bình.
65 năm đi qua, anh lính Trung đoàn 42 trẻ nhất năm xưa nay đã vào tuổi ngoài 80. Liệu có biết ai còn ai mất? Bởi sau đó 8 năm lại có người tạm biệt mẹ già, vợ trẻ, xa những góc phố, bến ga, rặng nhãn, ngôi trường… "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Có bao người ngã xuống ngay cửa ngõ Sài Gòn, khi Tổng thống ngụy quyền mới đọc câu đầu tiên bản tuyên bố đầu hàng? Có người đến bây giờ vẫn chưa được về nằm yên nghỉ trong nghĩa trang liệt sĩ bên dòng sông Sặt.
65 năm, đất và người thị xã Hải Dương xưa-TP Hải Dương nay đã cùng với dân tộc đi trên những chặng đường dài đầy gian nan, máu lửa và vinh quang. Thành phố tự hào là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn. Đã một thời sóng nước Thái Bình nâng niu chiếc cầu phao cho hàng nghìn đoàn quân ra trận tiếp sức chiến trường. Những trận địa tên lửa bên sông Hàn đã hóa thành bức tường thành, làm phên dậu phía đông của Thủ đô, bảo vệ trái tim của Tổ quốc. Đã một thời thành phố mảnh mai, bé nhỏ gồng mình vượt qua lũ lụt, bão dông và muôn vàn hiểm nguy… để trưởng thành vững bước đi lên trong làn gió hòa bình, dựng xây và hội nhập. Hòn đất tụ dồn ngàn năm linh khí, nhân nghĩa, hào hoa, hiếu học, khoa bảng, anh hùng nay đã biết mở lòng, khoan dung hóa thân với tầm nhìn xa rộng. Con người hiện đại thân thiện, văn minh, nụ cười giao thiệp bạn bè… Không chỉ là nơi tổ chức những sự kiện quan trọng trong tỉnh, trong nước, Hải Dương còn từng tổ chức những sự kiện quốc tế như SEA Games…
Từ thị xã lên thành phố, từ chật hẹp thành rộng lớn, từ manh mún khó nghèo thành hoành tráng và sung túc… Thật diệu kỳ, từ một thị xã nông nghiệp là chủ yếu, nay đã chuyển mình trong nhịp sống mới đô thị hóa, có cơ cấu kinh tế tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ cao, với tầm nhìn chiến lược, văn minh trí tuệ, đó là thành phố loại I, trực thuộc tỉnh Hải Dương.
Đường đi lên phía trước còn nhiều gian khó, bộn bề công việc cần làm… Người Hải Dương đã dũng cảm đi qua từ một chiếc cầu Phú Lương cũ kỹ, hẹp lòng, từ những con phố chật chội, để mở ra những cửa ô rộng lớn. Cửa ô phía tây, choáng ngợp bởi quảng trường, xanh mát hàng cây, những tòa nhà vươn cao. Cửa ô phía nam phóng khoáng những khu đô thị mới. Cửa ô phía bắc sừng sững cây cầu Hàn đã xóa đi nỗi ám ảnh của một con đò rách nát trăm năm trước. Từ cửa ô phía đông, vạm vỡ chiếc cầu Phú Lương ưỡn ngực cõng hàng nghìn lượt chuyến xe qua...
Dường như không ồn ào náo động như Hải Phòng, Hạ Long, TP Hải Dương đang lắng đọng suy tư trước thời cuộc. Họ bước đi mạnh mẽ nhưng vẫn giữ vẹn nguyên nét truyền thống xứ Đông. Lưu giữ vị nồng nàn hương cốm nếp, tinh hoa phong bánh đậu rồng vàng, tấm bánh khảo lõi vàng thơm thảo và cả những tấm thêu, thảm mịn màng dân dã… Họ quyết tâm đi trên con đường hướng về phía mặt trời mọc, xây dựng thành phố mạnh giàu, đáng sống, xứng đáng là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của tỉnh, xứng đáng truyền thống danh tiếng xứ Đông văn hiến ngàn đời.
Tản văn của KHÚC HÀ LINH