Mối quan hệ gắn bó “máu thịt” giữa Đảng và nhân dân
Xã hội - Ngày đăng : 16:18, 08/01/2020
Ngày 19.8.1945, hàng vạn người dân Thủ đô dự mít tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn thành phố chào mừng thắng lợi của cách mạng Tháng Tám. Ảnh tư liệu
Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định nhân dân là lực lượng cách mạng to lớn của dân tộc. Do đó, Đảng thường xuyên chăm lo xây dựng và củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân. Chính sự gắn bó ấy là cơ sở, cội nguồn sức mạnh của Đảng, sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc, cội nguồn thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân
Quan hệ giữa Đảng với nhân dân được hình thành do đòi hỏi khách quan của sự nghiệp cách mạng. Đây là mối quan hệ rất đặc biệt: Đảng vừa là người lãnh đạo, cầm quyền, vừa là người phục vụ nhân dân; còn nhân dân tự giác đồng tình với sự lãnh đạo của Đảng và cũng là chủ nhân của đất nước. Sức mạnh mà cách mạng Việt Nam có được chính là ở sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan niệm: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (1). Chính vì thế mà dân là gốc của nước, của cách mạng. Đặc biệt, từ khi giành được chính quyền, Đảng ta trở thành đảng cầm quyền thì vai trò quyết định của nhân dân càng được Bác khẳng định: “Nước lấy dân làm gốc”; “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên” (2). Do đó, Bác yêu cầu, Đảng phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Bác khẳng định: “nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”; “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ” (3). Vì vậy, Đảng phải luôn lấy lợi ích của nhân dân, ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu để phấn đấu. Bác yêu cầu cán bộ, đảng viên phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Trước lúc đi xa, trong Di chúc Bác dặn rằng: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (4). Theo Bác, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với Dân sẽ tạo ra cơ sở chính trị-xã hội vững chắc cho Đảng, quyết định đến thành bại của sự nghiệp cách mạng.
Trong tác phẩm “Dân vận”, Bác đã khái quát bản chất mối quan hệ giữa dân và Đảng trong bảy câu:
"Bao nhiêu lợi ích đều vì dân
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". (5)
Lịch sử và thực tế đã chứng minh, Đảng Cộng sản Việt Nam là đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài mưu cầu lợi ích cho nhân dân, Tổ quốc và dân tộc.
Đảng đã gan góc hy sinh, dũng cảm tổ chức nhân dân phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam. Không lực lượng nào có được những phẩm chất đó và cũng không lực lượng nào đủ uy tín trước nhân dân và dân tộc Việt Nam như thế. Điều này cũng đã được thực tế 90 năm qua của lịch sử Việt Nam minh chứng.
Sau 15 năm có Đảng, chỉ với 5 nghìn đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân vùng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, lật nhào ách thống trị gần 100 năm của chế độ phong kiến, thực dân, lập nên nhà nước công nông đầu tiền ở Đông Nam Á. Vượt qua những thử thách nghiệt ngã để bảo vệ nền độc lập dân tộc, Đảng ta tiếp tục nuôi dưỡng và nhân lên sức mạnh quật cường của dân tộc, đánh thắng bốn cuộc chiến tranh xâm lược, giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền và lãnh thổ quốc gia.
Và dù phải đối mặt với những thách thức khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi: Hậu quả chiến tranh nặng nề, từ cuối thập kỷ 1970 nền kinh tế-xã hội lâm vào cuộc khủng hoảng, năm 1990 chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch xiết chặt cấm vận, cô lập Việt Nam về chính trị, ngoại giao, tiến hành các âm mưu bạo loạn lật đổ. Đối mặt với những thách thức đó, một lần nữa Đảng ta không chỉ thể hiện lòng trung thành vô hạn với giai cấp và dân tộc, mà Đảng đã biết tự nâng mình lên ngang tầm đòi hỏi của lịch sử và dân tộc. Năm 1986, tại Đại hội VI, Đảng ta đã khởi xướng sự nghiệp đổi mới đất nước. Đường lối đổi mới vừa hợp quy luật, hợp lòng người nên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, khơi dậy sự sáng tạo của mọi cấp, mọi ngành, mọi đơn vị, mọi người, tạo nên sức mạnh của dân tộc. Sau hơn 30 năm bền bỉ tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, đất nước ta đã giành được những thành tựu vô cùng quan trọng về kinh tế-xã hội, về chính trị, an ninh quốc phòng; quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế quốc tế tăng lên, tạo nên thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam.
Và những thành tựu to lớn
Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế hiện nay, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân càng được tăng cường, củng cố vững chắc khi Đảng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo toàn xã hội thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp về phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại.
Trước hết, Đảng đã lãnh đạo cả hệ thống chính trị, chăm lo đến lợi ích vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế ngày càng tăng lên, tăng trưởng GDP bình quân những năm gần đây đạt trên 7%; an sinh xã hội được quan tâm và bảo đảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện; sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế có nhiều bước phát triển; kết cấu hạ tầng được tăng cường, nhất là giao thông, điện, nước sạch... Đây là yếu tố hết sức quan trọng góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
Bên cạnh đó, Đảng có nhiều chủ trương, biện pháp để phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Các hình thức thực hiện dân chủ từng bước được hoàn thiện và được bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật. Dân chủ trong Đảng, trong các tổ chức nhà nước, đoàn thể xã hội, các cơ quan dân cử được mở rộng. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xử lý các hành vi vi phạm quyền dân chủ được chú trọng. Việc Chính phủ ban hành và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong các loại hình cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, đã góp phần tích cực vào quá trình phát huy quyền làm chủ của nhân dân vào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Đảng đã tập trung lãnh đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân. Đảng đã quyết liệt triển khai cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phát hiện, xử lý nghiêm minh và nhân văn với những cán bộ đương nhiệm hoặc đã về hưu với phương châm “không có vùng cấm”, “thi hành kỷ luật một số người để cứu muôn người”… Theo đó, hàng chục vụ “đại án” đã được xét xử nghiêm minh, hơn chục Ủy viên Trung ương đương nhiệm và đã về hưu (trong đó có một Ủy viên Bộ Chính trị), nhiều cán bộ cấp cao đã bị xử lý kỷ luật với các hình thức tương ứng với tội danh theo yêu cầu “thượng tôn pháp luật”, không để oan sai, nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm.
Đặc biệt, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đảng, Nhà nước ta đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của đất nước; quản lý và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển với các nước láng giềng; tăng cường hợp tác và đối thoại chiến lược với nhiều đối tác, đưa quan hệ hợp tác với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Đồng thời, chủ động tham gia tích cực, có trách nhiệm trong các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc... Tích cực triển khai các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã có và đàm phán, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy phát triển và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực. Uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên.
Những kết quả, thành tựu nổi bật trên đã tác động trở lại, góp phần quyết định vào việc tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân trong điều kiện đất nước ta đang tích cực và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.
Nhìn lại lịch sử cách mạng từ khi còn trứng nước, rồi trải qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại và những thành tựu sau hơn 30 năm đổi mới ở nước ta đã cho thấy, mọi thắng lợi của cách mạng đều xuất phát từ sức mạnh của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng. Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam là mối quan hệ gắn bó trong một chỉnh thể thống nhất, tạo nên một sức mạnh to lớn, là “bức tường thành” vững chắc bảo vệ cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Theo TTXVN
----------------------------------------
(1): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr.276
(2): Sđd, t.5, tr.293
(3): Sđd, t.6, tr.515.
(4): Sđd, t.12, tr.498.
(5): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.698.