Hoài niệm làng đào
Xã hội - Ngày đăng : 08:14, 22/01/2020
Sau hơn ba chục năm lưu lạc xứ người, bất ngờ năm nay hắn về thăm quê vào những ngày giáp Tết. Vừa nhìn thấy nhau, hắn đã bảo "Chợ hoa đào Hải Tân" thay cho câu chào. Hắn vẫn chưa quên kỷ niệm xưa. Ngày ấy, mỗi lần giáp Tết, hai chúng tôi lượn lờ hết ngoài chợ rồi mò vào tận vườn đào. Không phải để mua, chỉ ngắm thôi. Hắn mê hoa đào đến mụ mị, như bị bùa ngải. Từ ngày hắn đi, tôi không còn cảm hứng ấy nữa. Phần vì ngại nơi đông đúc, phần vì người bán hoa dạo khắp phố phường. Nghe hắn nói, đột nhiên tâm trí tôi hiển hiện một ngôi làng có nghề trồng hoa đào lâu năm.
Không ai nhớ chính xác đoạn đường dài hơn một cây số, từ ngã ba đường vòng đến chỗ rẽ vào nghĩa trang Cầu Cương (TP Hải Dương) thành chợ hoa từ khi nào. Họ chỉ nhớ mang máng rằng ban đầu lác đác vài người đến mua từ lúc chưa tỏ mặt người. Ruộng đào ngay cạnh. Ưng cành nào, thích cây nào, chủ ruộng đáp ứng ngay. Sau dần, người mua tăng lên, người bán theo đà tăng cùng. Thế là thành chợ hoa đào. Chợ chỉ họp vào tháng chạp, nhất là từ sau ngày "ông Táo chầu giời" chợ đông ngàn ngạt. Chợ họp rất sớm, từ khi trời còn tối mù mù, sương giăng giăng, gió bấc ù ù, đến tận tối muộn mới tan. Người mua hoa từ các huyện, có khi còn ở tỉnh ngoài. Nhưng chủ yếu vẫn là người thành phố. Bây giờ cuộc sống đầy đủ, nhu cầu nâng cao thì chẳng nói làm chi. Ngày xưa, chiến tranh ác liệt xảy ra từng ngày, cái sống cái chết cách nhau trong gang tấc. Lại còn đói cơm, rách áo nữa chứ. Thế mà vẫn không thể thiếu hoa đào ngày Tết. Dường như chẳng có cuộc chiến tranh nào, chẳng có cái đói, cái khổ nào xảy ra trên những cánh hoa đào. Hoa cùng người, người cùng hoa, vượt lên tất cả, cùng nhau sẻ chia những mất mát trong chiến tranh, những gian nan, vất vả trong đời thường. Tôi vẫn còn cảm nhận vẹn nguyên niềm vui khi lạc vào rừng đào Hải Tân, khiến người ta quên đi tuổi tác, thời gian.
"Vườn đào đâu?". Hắn giật giọng, ngơ ngác. Những con đường trải nhựa, trải bê tông mới tinh dẫn chúng tôi vào những khu phố chật ních người ở. Toàn biệt thự và nhà cao tầng chất ngất, kín cổng cao tường. Không còn những cánh ruộng trồng đào liền nhau ngút ngát tầm mắt. Nói như thế không phải Hải Tân đã hết ruộng trồng đào. Vẫn còn đó những mảnh ruộng con con sát đường cái. Hoa vẫn nở mỗi bận xuân về. Vẫn những gốc đào xù xì, tứa nhựa. Vẫn những cô gái trồng đào có khuôn mặt nhẹ nhõm, nước da mịn màng. Vẫn nụ cười duyên dáng mời đón. Nhưng mọi cái không còn như xưa.
Tôi nhớ về những luống đào thẳng tắp vào vụ tuốt lá thuở nào. Những cây đào trụi lá bị bó tròn, thân cây được tạo dáng theo ý người trồng. Một ông chủ vườn bảo: "Tuốt lá cũng phải tính kỹ, chẳng hạn như xem thời tiết gió mưa. Nếu không, đào sẽ nở hoa không đúng dịp Tết". Thì ra, người trồng đào cũng như người trồng lúa vẫn phải "Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm". "Nhớ đào Hải Tân mình quá". Bạn bè tôi ở phương xa, vì lý do nào đó, không thể về thăm quê được, thường nói với tôi mỗi khi gần Tết. Họ hỏi thăm vườn đào Hải Tân độ này còn nhiều đào không? Có trúng vụ không? Họ vui, khi tôi trả lời rằng người trồng năm nay trúng vụ, được giá. Người bạn tôi thương những người con của đất trồng đào lấy nước mắt, lấy mồ hôi, tưới cho đất đai ngày một tươi nhuần, cho ngày mai tươi sáng.
Hắn hỏi tôi: "Vườn đào bây giờ chuyển đi đâu? Chẳng lẽ người thành phố không chơi đào ngày Tết nữa?". Tôi bảo: "Vẫn trồng, trồng nhiều hơn trước. Dưới Thạch Khôi, Gia Xuyên...". Hắn đứng giữa ruộng đào sót lại, thở dài. Mãi sau hắn mới thầm thì như sợ ai nghe thấy: "Đã từng có một làng quê ngàn năm tuổi. Đã từng có một làng nghề trồng đào lâu năm. Đã từng có những cô gái của làng mang tên Đào đằm thắm. Thành phố cứ rộng dài ra mãi. Những bước chân hối hả của nó xóa sạch mấy trăm năm, chỉ trong chốc lát". Hắn rõ là kẻ si tình. Ai lại đi si tình một cái vườn đào, một cái làng nghề trồng đào bao giờ. Ờ... ờ. Mà có khi hắn nói đúng.
"Xin hãy giữ mãi những tình cảm yêu thương, hoài nhớ ấy cho mình, như một báu vật thiêng liêng trong tâm hồn". Tôi nói với hắn, cũng là để dặn lòng mình.
NGUYỄN SỸ