Hương mùi quấn quýt
Xã hội - Ngày đăng : 16:34, 24/01/2020
Tất tả lo cho cái Tết suốt mấy ngày liền, chiều ba mươi, tôi ngồi nhẩn nha nhìn quanh: Bánh chưng đã gói, mâm ngũ quả đã bày, cành đào thắm đang đơm bông rạng rỡ, nồi kho tàu đang tỏa hương thơm nồng quyến rũ trên bếp, bó miến học sinh cũ mang biếu cô ăn Tết nằm mát mắt bên cân măng khô cô bạn thân đang dạy học ở tận Hà Giang gửi về. Con gà trống hoa anh trai cho để cúng giao thừa cũng đang quang quác chờ thời khắc xuân sang. Bánh kẹo, hạt bí các loại cũng đã đủ cả rồi. Chuẩn bị đón Tết thôi!
Tôi xoa hai bàn tay khô ráp vào nhau quay sang bảo con trai: "Thế là đã có một cái Tết đủ đầy nhé!". Cu con hỏi: "Mẹ đã mua mùi già chưa? Bà ngoại vẫn bảo: Chưa có mùi già là chưa có Tết".
Nghe con nhắc, tôi cuống quýt chạy ra chợ, chiều ba mươi Tết rồi, biết còn ai bán mùi già không? Chạy một vòng quanh chợ, hy vọng đang dần tắt thì... ôi, may quá! Còn hai mớ mùi già của một bà cô làng bên nằm chỏng chơ như chờ đợi tôi.
Tôi sà lại, không dám mặc cả, mua luôn như sợ ai mua tranh mất. Ôm hai mớ mùi như ôm bó hoa cưới về nhà, mặt mày hớn hở mà đôi mắt như chực khóc. Tôi thương mình biết bao! Tôi nhớ ba mẹ, nhớ lại những ngày xuân xưa cũ khi còn ba, còn mẹ. Nhớ lại những ngày thơ bé đầu trần, chân đất háo hức mong chờ Tết về để được tắm bằng nước đun với cây mùi già. Ngày thơ bé của tôi, của những đứa trẻ con nhà nghèo không bao giờ được biết đến bánh xà phòng thơm, lọ nước tắm, không biết thế nào là mỹ phẩm xa hoa... Ba mẹ tôi đi rất xa rồi, tôi đã thành kẻ mồ côi mấy mươi năm nay và mỗi đận Tết về, tôi lại nhớ quặn lòng mùi Tết xưa của ba mẹ, nhớ mùi hương nước mùi nồng nàn, quấn quýt trong gió bấc lạnh thấu xương khiến con người ta có cảm giác ấm áp lạ lùng.
Ngày tôi còn nhỏ, nhà nghèo tới độ không có cả cái nhà tắm. Ba chị em gái chúng tôi phải chui vào vườn mía của ba, lấy hai cái chiếu rách quây lại làm chỗ tắm. Mẹ tôi là một phụ nữ thuần nông Bắc Bộ. Bà rất chăm chút cho nồi nước tắm cuối năm của gia đình. Nước nấu bằng cây mùi già là lựa chọn của mẹ. Mẹ nói: "Hương thơm của cây mùi, lá mùi, hạt mùi sẽ tẩy rửa sạch sẽ những bụi bặm một năm qua, sẽ xua tan những yếm khí đeo bám quanh mình. Kiểu gì ba mươi Tết cũng phải tắm thật sạch và nhất định phải tắm bằng nước mùi già".
Từ nhỏ tới lớn, rồi tới khi lấy chồng, ở riêng, chị em tôi luôn nhớ lời mẹ dặn và đã bảo nhau giữ gìn truyền thống quý báu đó của gia đình. Nồi nước tắm cuối năm của gia đình luôn được chúng tôi chăm chút kỹ lưỡng như mẹ tôi xưa kia. Nhìn những hạt mùi xanh đậm, tròn bóng, căng đầy chen chúc trong những bông hoa trắng nhỏ li ti đang dần kết hạt, nhìn lá mùi đang ngả màu vàng úa mà tôi thấy rưng rưng trong dạ.
Năm nay, bận nhiều việc quá! Chút nữa thì tôi đã quên đi truyền thống của gia đình. Cũng may mà con tôi luôn nhớ, con tôi đã coi lời bà ngoại như là máu thịt để giúp tôi nhớ về cái hương vị nồng nàn, ấm áp, cái mùi hương quấn quýt, vấn vít trong gió lạnh của Tết Bắc khiến người ta thấy lòng mình dịu dàng hơn, đằm thắm hơn.
Đã nhiều lần, cu con ôm tôi thủ thỉ: "Kể cũng lạ mẹ ạ! Giờ thì sữa tắm, mỹ phẩm bạt ngàn, ngày thường dùng thấy rất đương nhiên và không nghĩ gì mà sao cứ ba mươi Tết là con chỉ muốn tắm gội, rửa mặt bằng nước đun cây mùi già thôi. Thiếu nước mùi già cảm thấy như chẳng có Tết".
Tôi rửa thật sạch nắm mùi già, cho vào xoong và bắt đầu đun. Khi nước vừa sôi, mùi hương nồng ấm bắt đầu lan tỏa, các con tôi gọi nhau ríu rít: "Tắm đê! Tắm đê! Tẩy trần nào! Xua đi bụi bặm năm cũ, đón năm mới thôi!". Sao mà chúng khéo đưa tôi về với những ngày thơ bé như chúng bây giờ đến vậy. Thì ra, Tết thời nào cũng vậy, có đổi thay, có dịch chuyển nhưng hương vị ấm nồng đoàn viên thì luôn như hương mùi quấn quýt.
Tản văn của TRẦN THÙY LINH