Thiêng liêng ngày Giỗ Tổ
Xã hội - Ngày đăng : 15:35, 02/04/2020
Sang tháng ba âm lịch, hương xuân vẫn lưu luyến rắc đầy không gian, trời đất dịu dàng. Mùa xuân năm nay chẳng giống mọi năm, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Dẫu vậy, dù ở đâu, làm gì, dịp mùng mười tháng ba này trong lòng mỗi người dân đất Việt lại nao nức hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương với một niềm thành kính tri ân công đức tổ tiên, nhớ về nguồn cội.
Tôi thầm nghĩ, trên thế giới hẳn không một dân tộc nào lại có cùng chung gốc gác tổ tiên, một ngày Giỗ Tổ như dân tộc Việt Nam. Thật tự hào bởi mình là dòng giống con Rồng cháu Tiên. Trong tôi luôn thấm đẫm truyền thuyết về mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng với trăm người con trong cùng một bọc. Một nửa theo mẹ lên rừng, nửa theo cha xuống biển. Truyền thuyết xưa đã đi sâu vào tiềm thức, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác gắn với khái niệm “đồng bào”, một sự tròn đầy viên mãn, gắn kết cộng đồng thành một khối đại đoàn kết, làm nên sức mạnh dân tộc đã được minh chứng qua suốt lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, dựng xây đất nước.
Mới thấy rằng không phải đơn giản mà Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lại được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bởi đây là nét đẹp văn hóa tâm linh, hội tụ tình đoàn kết, đã ăn sâu vào tâm hồn tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước.
Từ lâu, trong tâm thức dân gian cộng đồng, Hùng Vương là vị thủy tổ, người có công lập nước nhưng cũng là người chăm lo cho cuộc sống nhân dân. Từ thuở là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, sự tích về bánh chưng, bánh dày và câu chuyện về hoàng tử Lang Liêu đã in đậm trong ký ức tôi. Lang Liêu vốn có cuộc sống gắn bó với ruộng nương, làm bạn cùng thiên nhiên xanh mát, đây chính là hiện thân của người nông dân nghèo khổ, vất vả lam lũ nhưng lại có tấm lòng thơm thảo hiếu nghĩa với mẹ cha. Bỏ qua bao sơn hào hải vị được dâng lên, Vua Hùng đã chọn thức quà giản dị của chàng hoàng tử nghèo khó ấy để dâng cúng tổ tiên. Chiếc bánh dân dã chứa trong đó triết lý nhân sinh của đất trời, là lời nhắc nhở của thần linh về vương đạo trị quốc khiến dân an thái bình.
Người có tổ, có tông như sông có nguồn, cây có cội. Bởi thế mà kiều bào Việt Nam ở nước ngoài trong dịp này cũng luôn hướng về Đền Hùng, cái nôi của đất Tổ, nơi của bốn phương tụ hội, thể hiện sự nối kết cộng đồng.
Do dịch Covid-19 mà Lễ hội Đền Hùng năm nay không tổ chức phần hội, chỉ có phần lễ. Mọi năm, đến hẹn lại lên tôi mong ngóng đến ngày nghỉ giỗ để được cùng bạn bè hẹn hò, xếp lịch chuẩn bị hành trang lên đền trẩy hội. Nhớ lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong công tác phòng chống dịch Covid-19 hôm nào: “Ở nhà nhiều nhất có thể, nếu không có việc gì cần thiết, đừng ra đường…”. Tháng ba này với tình hình dịch bệnh đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, không thể hành hương về cội nguồn được, lòng bùi ngùi chỉ biết cúi mình dâng lên tổ tiên nén hương thơm, lòng thầm thì khấn nguyện. Cầu mong các bậc tiền nhân độ trì cho quốc thái dân an, cho dịch bệnh sớm tiêu tan, người người mạnh khỏe, mọi sự được vuông tròn như những chiếc bánh dày, bánh chưng kia.
Tản văn của VŨ THỊ THANH HÒA