Phụng sự
Xã hội - Ngày đăng : 15:15, 21/06/2020
Tờ báo đến tay bà chủ trọ bao giờ cũng đã nhàu. Đơn giản vì nó được chuyền tay từ người này đến người khác. Thường là mấy bác xe ôm hay mua báo đọc lúc chờ khách. Vài nghìn một tờ báo ngày, rẻ như cốc trà đá mà biết bao thông tin, không bổ ích cũng hay ho. Sau khi lật đi lật lại đọc không sót chỗ nào thì bác xe ôm sẽ dúi vào tay ai đó, bảo "đọc đi". Có khi là bà bán xôi đầu ngõ hoặc tạt vào quán trà đá thì dúi cho ai đó ngồi gần. Báo còn mới, thông tin còn nóng hổi, đọc cho đỡ phí. Bà lấy báo từ tay chị bán xôi, thằng bé bán vé số hay cô Thơm thu mua đồng nát. Họ đều là người thuê trọ nhà bà đã lâu năm. Đối đãi với nhau bằng tình thân qua cuộc sống hằng ngày. Bà chủ trọ là người ưa những điều tử tế. Như là cách mà bà trân trọng những tờ báo phụng sự bạn đọc, những bài báo tôn trọng sự thật và những nhà báo có tâm.
Bà mê những bài phóng sự điều tra dài kỳ. Đọc xong kỳ 1 là phải tìm bằng được kỳ 2. Phóng sự bảo kê chợ đầu mối, lâm tặc tàn phá rừng nguyên sinh, nhận diện và ngăn chặn lợi ích nhóm... Gặp ai bà cũng hỏi đã đọc báo mới chưa? Có biết vụ này vụ kia chưa? Để rồi có khi trước lúc đi ngủ tâm trí bà vẫn nghĩ đến một dòng sông đang chết dần mòn bởi rác thải công nghiệp. Về những phận người khốn cùng của xã hội mà tiếng kêu không thấu được đến trời. Về biết bao sai phạm trong quản lý tài sản và con người ở các địa phương. Bà nhớ những cái tên tác giả mỗi bài báo. Dù có khi đó chỉ là mấy chữ viết tắt của những nhà báo quen giấu mình sau con chữ sắc lẹm. Họ là người đứng về phía nhân dân. Họ vượt qua nhiều khó khăn để đi tìm sự thật. Vượt qua cả những cám dỗ vật chất quyết đem đến nhiều bài báo chất lượng, có tính thời sự, tính chiến đấu và đậm chất nhân văn. Nhiều người trong số họ phải nằm gai nếm mật cả tháng trong rừng. Hoặc bất chấp nguy hiểm chống lại những thế lực ngầm hay các nhóm lợi ích. Họ tôn trọng sự thật, hết lòng phụng sự bạn đọc của mình. Họ sống một cuộc đời như thế, thử hỏi làm sao bà không mê cho được...
Mấy năm gần đây bà có thêm thói quen mua báo. Sáng sớm bà đi bộ ra sạp báo gần nhà để tìm mua những tờ báo mà mình yêu thích. Coi như là một công đôi việc. Vừa đi tập thể dục cho cơ thể khỏe mạnh lại vừa mua được báo nạp năng lượng cho tâm hồn. Mọi người trong xóm trọ đều nói đâu phải ai cũng có được một tuổi già sống tích cực như bà.
Con cháu sắm cho bà cái máy tính bảng để đọc tin tức. Nhưng bà bảo: "Tràn lan trên mạng toàn thấy tin giật gân. Đánh ghen, cướp chồng, các cô người mẫu hết khoe hàng hiệu đến khoe bụng bầu, chỉ riêng chuyện cô dâu 62 tuổi, chú rể 26 tuổi cũng ra cả seri bài toàn chuyện tào lao. Muốn đọc bài hay thì phải tìm nhức mắt. Thôi bà cứ trung thành với báo giấy. Giờ đặt báo ngoài bưu điện cũng tiện. Tờ nào hay bà sẽ đặt cả năm, bằng tiền mua manh áo manh quần. Mà cũng phải có nhiều bạn đọc đặt mua thì tờ báo mới tồn tại được". Bà vẫn vậy, lúc nào cũng nghĩ cho người khác. Như suốt mấy tháng dịch bệnh bà đâu có thu của ai đồng tiền phòng nào. Chẳng thế mà ở khu trọ này toàn những người thuê đã lâu năm và không có ý định chuyển đi. Tôi thích những buổi sáng dắt xe ra đi làm đã thấy bà ngồi trên chiếc ghế mây đọc báo. Ông chủ lúi húi pha trà hoa cúc cho bà. Họ rủ rỉ hỏi nhau về một mảnh đất, một con đường nào đó xuất hiện trong bài báo, hình như từng đi qua. Cũng có khi họ chụm đầu bên nhau cùng đọc một bài thơ, xem một bức hình. Thấy tôi chào lần nào bà cũng hỏi "hôm nay có phải đi viết bài xa không? Có chuyện gì mới không con?"
Hồi ấy tôi còn làm báo, chuyên viết bài cho mục "Ký sự pháp đình" nên tuần nào cũng vài lần rong ruổi đi các tỉnh tác nghiệp. Có khi sáng đi chiều về. Có khi đi vài ngày mới xong việc. Bà hay chờ tôi về để chuyện trò, hỏi han đủ thứ. Sau này tuy không còn theo nghề báo nữa, cũng không còn ở lại xóm trọ xưa nhưng mỗi lần nhớ về bà khiến tôi càng thêm yêu nghề chữ.
VŨ THỊ HUYỀN TRANG