Những thức quà mùa thu
Xã hội - Ngày đăng : 09:30, 20/09/2020
Thời khắc giao mùa thời tiết thường dịu dàng hơn, những ngọn gió mênh mang dịu nhẹ, nắng cũng thôi bỏng rát như những chiều hạ đỏ. Tháng chín như một bước nhón chân nhè nhẹ của mùa thu, khẽ khàng mà đầy thi vị. Phố cũng thênh thang hơn, ngồi lặng yên nghe bản du ca của trời đất lòng bỗng như được trở về giữa những ký ức ngọt ngào của những thức quà mùa thu nơi quê nhà.
Những ngày chớm thu nơi đất khách, nao lòng nhớ hương cốm nơi làng quê yêu dấu. Một sắc thu rất khẽ vừa chạm ngõ khi màn sương buổi ban mai chùng chình qua cánh đồng xanh thì con gái. Sương la đà trên từng nhành cây ngọn cỏ, vấn vít bước chân người ra đồng. Sương đọng lại trên chiếc lá sen những giọt nước trong veo như pha lê. Khi mặt trời lên chiếu xuyên qua, từng hạt nước sẽ lấp lánh bao sắc màu kỳ diệu. Lá sen ấy được dùng để gói cốm. Thức quà ngọt lành như một sự sắp đặt không biết vô tình hay hữu ý, chỉ có ở mùa thu. Khi những đứa trẻ quê thấy cái lạnh khẽ khàng luồn qua làn áo mỏng cũng là lúc hương cốm xanh nhẹ nhàng len lỏi từ quê lên phố. Từng hạt cốm xanh đến là lạ, cái màu xanh dường như ướp cả khí trời khí đất để thành hình hài, hương vị. Lá sen bao bọc lấy hạt cốm, cốm e ấp trong sự ấp ôm của sen, một hình ảnh thân thương và tình nghĩa ngọt ngào.
Thu đến cũng là mùa của những quả thị vàng mơ. Ngày nhỏ khi nghe bà kể câu chuyện cô Tấm, trái thị tôi cứ mơ màng mong mùa thị đến. Quả thị khi non có màu xanh, nằm ẩn mình trong những vòm lá cũng màu xanh, có khi phải thật căng mắt mới nhìn thấy được. Lũ nhỏ chạy chơi dưới gốc thị, đợi thị chín. Đến một hôm, khi ngủ dậy bước ra bên hiên nhà, nghe mùi thơm nồng nàn lan tỏa cả không gian. Đấy là thị đã chín. Chẳng giấu được đâu một quả thị thơm bởi cái mùi hương nồng nàn quyến rũ ấy để lại trong không gian rất lâu mới tan đi. Thấp thoáng dưới tán lá xanh um là từng quả thị vàng mơ, lủng lẳng. Trái thị khi chín cầm rất mát tay, vỏ mịn mềm. Tôi nhớ có đứa được quả thị mừng đến độ không dám ăn mà để dành đem về nhà. Những đứa trẻ quê ngày xưa có được bánh kẹo gì nhiều đâu ngoài những cây trái vườn nhà mà phải đợi đúng mùa mới có. Nhưng dẫu sao cái đợi chờ, cái mong ngóng ấy lại hóa hay. Bởi giá trị của nó đã vượt qua những rộng dài năm tháng, để những đứa trẻ ngày ấy dù bây giờ lớn lên vẫn mang theo bên mình hoài niệm ngọt ngào về làng quê xóm cũ. Dù chỉ là những kỷ niệm giản đơn nhưng ngọt lòng quá đỗi.
Và hương ổi. Ôi những trái ổi be bé xinh xinh mà những đứa trẻ quê cứ chuyền tay nhau trong sự nâng niu, gìn giữ. Ổi vườn thường khá nhỏ, mùa thu mang luồng không khí se lạnh cũng là lúc hương ổi vườn ngan ngát bay loang vào không gian. Ổi không xịt thuốc nên cứ an tâm mà thưởng thức. Hầu như làng tôi nhà nào cũng có vài ba cây ổi, loại ổi trái chỉ be bé nằm gọn trong lòng bàn tay. Khi trái già căng da lên, ăn giòn sần sật. Còn khi chín chuyển sang màu vàng, ruột mềm mềm và thơm lừng. Cái nắng dìu dịu của những ngày thu khiến buổi trưa cũng bớt oi ả. Bọn con nít trong làng trốn ngủ lại í ới gọi nhau ra vườn săn tìm ổi chín. Có khi cả cây có được một trái chín lại bị lũ chim phát hiện trước, tụi nhỏ cứ nhìn nhau tiếc ngẩn ngơ.
Giữa ồn ào phố xá, những tâm hồn đau đáu nhớ quê bất giác thấy lòng được xoa dịu bởi một gánh ổi xanh non, một xe thị vàng nơi góc phố. Những thức quà quê gắn với bao kỷ niệm giản đơn nơi làng xóm mà dẫu đi xa đến nơi đâu và bao lâu người ta vẫn luôn nhớ về với tất cả những thương yêu và gắn bó.
Tản văn của PHONG DƯƠNG