Rộn ràng nhịp trống Trung thu

Xã hội - Ngày đăng : 15:39, 27/09/2020

Trong ký ức mỗi người ai cũng có một thời rộn ràng với nhịp trống Trung thu. Đó là khoảng thời gian đẹp nhất trong năm, đó là ánh trăng rằm tròn và sáng nhất trong các rằm.

Trong ký ức mỗi người ai cũng có một thời rộn ràng với nhịp trống Trung thu. Đó là khoảng thời gian đẹp nhất trong năm, đó là ánh trăng rằm tròn và sáng nhất trong các rằm. Rằm Trung thu là mùa đón đợi nhất, háo hức nhất không chỉ là con trẻ mà cả người lớn nữa. Vừa qua rằm tháng bảy Vu Lan báo hiếu - rằm của ân tình, ân nghĩa; vừa qua Tết độc lập của đất nước mà dư âm vẫn còn vang vọng. Lại vừa qua dịp khai giảng năm học mới với tiếng trống trường điểm nhịp, cánh cổng trường mở ra như trang sách với bao khát vọng...

Rằm Trung thu như một món quà của thiên nhiên, tạo hóa dành tặng con người khi mà vườn nhà với bao  loại quả chín làm mâm cỗ đón Trung thu. Này là quả bưởi tròn với những tép bưởi mọng nước thường được đặt giữa mâm cỗ cho ta hình dung các múi bưởi như những vành trăng khuyết xếp cạnh nhau để tròn đầy, để căng mọng với sum suê xung quanh là hồng, là na, là ổi... Hình như rằm Trung thu quả nào cũng tròn, quả nào cũng ngọt cũng thơm như trái thị vàng gắn với chuyện cổ tích bà kể, chỉ nhìn các sắc màu của quả thôi cũng đã cho ta vui vầy ấm áp. Và nhịp trống Trung thu vành trống tròn căng, tiếng trống  rộn ràng như tiếng reo vui hồ hởi có bao tưng bừng với bao chia sẻ. Nhịp trống như nhịp đồng dao, như bước chân sáo vừa tung tăng, vừa tung tẩy, lại vừa kết nối với sự cộng hưởng, cộng đồng. Nhịp trống cứ thế dài ra các ngả đường, nhịp trống đến đâu là biết đầu sư tử múa lân đến đó. Cứ “tùng dinh... tùng dinh...” mà náo nức với đèn kéo quân tỏa ra sức mạnh tinh thần thượng võ của một đất nước có truyền thống chống giặc ngoại xâm và yêu chuộng hòa bình trong lấp lánh đèn ông sao năm cánh. Năm cánh tỏa rạng ngời như năm cánh sao vàng trên lá cờ Tổ quốc. Và có cả đèn ông tiến sĩ giấy như biểu tượng cho tinh thần hiếu học coi trọng chữ nghĩa tri thức từ bao đời. Một sự hài hòa và tiếp nối, một sự mở ra vô biên từ bao ước vọng...

Rằm Trung thu không chỉ có quả cho con trẻ phá cỗ mà còn những khuôn bánh dẻo, bánh nướng, hình vuông, hình tròn cho ông bà vui vầy bên con cháu. Bánh Trung thu là nhân, là quả của bao thành quả lao động làm từ bột gạo nếp mịn màng đến nhân đậu thơm bùi. Ta như được lắng, được thấm hương đồng hương ruộng qua bao sàng sảy để chắt lọc, để ấp iu, để dâng tặng. Nhịp trống Trung thu như nhịp mời chào náo nức. Men theo nhịp trống, ta hình dung ra các ngả đường ngõ xóm qua rặng tre xanh mà nan tre dẻo dai ông đã chuốt, đã phơi từ trước đó cả một tháng để uốn đèn ông sao, đèn kéo quân, đặc biệt là uốn đầu lân, sư tử. Đây quả là một công trình đòi hỏi không chỉ sự khéo tay mà còn gửi gắm vào đó cả tấm lòng yêu trẻ.
Ai đã làm ra tang trống bằng gỗ mít, ai đã làm ra mặt trống bằng da bò căng mà sao tiếng trống như có hồn quê, như tiếng lòng khấp khởi. Nhịp trống tung tẩy trên đường làng làm rung cả ao bèo chấp chới ánh trăng rằm. Cả thiên nhiên bừng sáng, cả cây cối bừng sáng. Ánh sáng trong veo tinh khiết, ánh sáng không chỉ là ánh trăng rằm mà còn sáng tự lòng người rạng rỡ, tất cả đều dành trọn vẹn cho trẻ thơ. Nhịp trống Trung thu vẫn còn ngân vang mãi đi theo suốt cuộc đời người trên mỗi chặng đường đất nước. Nhịp trống như nhịp con tim lại như tiếng gọi thiết tha mở ra cuộc hành trình. Nếu một ngày nào đó trong ta không còn rung vang rộn ràng nhịp trống của ký ức tuổi thơ, của hồn quê thì sẽ buồn biết bao. May thay, mỗi năm lại có một dịp trăng rằm tháng tám. Ôi, quả trăng như ước vọng treo trước cửa mỗi ngôi nhà, trước cánh cửa tâm hồn mỗi con người tràn đầy và tỏa rạng như nhịp trống Trung thu chưa bao giờ tắt.

NGUYỄN NGỌC PHÚ