Có những con đường
Xã hội - Ngày đăng : 11:20, 26/10/2020
Ngày tôi còn bé, nhà ở cạnh quốc lộ 5, mọi người vẫn gọi thân thương là đường 5. Đường 5 khi ấy chưa được mở rộng như bây giờ nhưng với đứa bé 5 tuổi thì nó thật to, dài và đầy bí ẩn. Tuy ở cạnh nhưng vẫn cách đường một cái ao, tôi chỉ được phép đứng trước cửa nhà nhìn sang bên đường ngắm xe ô tô vun vút chạy qua. Một phía đường dẫn lên thị xã Hải Dương, một phía xa hơn là thủ đô Hà Nội. Con đường ấy cho tôi những hình dung đầu đời về sự dài rộng của không gian, sự mường tượng về cách thức người ta đi đến những vùng đất khác, để từ đó trong tôi nhen nhóm khao khát được đi, khám phá, mở ra trước mắt những chân trời mới lạ.
Cả hai quê nội ngoại đều ở xa. Thỉnh thoảng bố mẹ chở chị em tôi về quê nội cách nhà 30 km bằng xe đạp. Có một lần mẹ chở tôi đi qua lối Bình Giang, lúc cầu Cậy đang xây, phải đi qua bằng cầu phao làm tạm. Sóng nước dập dềnh dưới chân khiến tôi sợ hãi, giống như những lần đi qua cầu Phú Lương cũ, tôi thường không dám nhìn xuống phía dưới bởi mặt cầu phần dành cho xe đạp thỉnh thoảng có thanh gỗ bị khuyết, nhìn rõ sóng nước sông Thái Bình ngầu đỏ phù sa. Quê ngoại tôi ở Phú Thọ, để đi tàu về quê ngày ấy thường mất ít nhất một ngày với 2 - 3 chặng đổi tàu xe. Nhiều khi tàu xe không thuận lợi thì đi hôm trước hôm sau mới tới nơi. Những con đường ngày ấy còn nhỏ hẹp với những phương tiện hạn chế làm cho tôi thấy khoảng cách giữa những vùng đất sao mà xa vời vợi.
Ba mươi năm đã trôi qua, đường 5 ngày xưa từ lâu đã thay da đổi thịt, không còn đi vòng qua thị xã Hải Dương mà đi thẳng phía bên ngoài với một cây cầu Phú Lương mới rộng rãi, chắc chắn, không có những mảnh ghép gỗ lung lay. Song song với quốc lộ 5, đi qua Hải Dương giờ đây còn có đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, con đường được xếp vào loại hiện đại nhất Việt Nam. Những con đường tuổi thơ của tôi cùng bao nhiêu con đường khác trong toàn tỉnh đều đã thay da đổi thịt, vừa rộng rãi lại vừa đẹp đẽ, bằng phẳng hơn trước biết bao nhiêu. Giờ đây, về quê cũng có thể lái xe ô tô ra tận giữa cánh đồng, chúng tôi vẫn đùa nhau rồi chẳng mấy nữa trẻ con không còn biết đến khái niệm “ổ gà” như ngày xưa.
Gắn liền với những con đường là những cây cầu mới mọc lên nối những bờ sông. Những bến đò, bến phà khi xưa được thay dần bằng những cây cầu bê tông vững chãi. Phà Mây đã trở thành ký ức khi cầu Mây hoàn thành. Rồi phà Triều, phà Quang Thanh, đò Dinh cũng sẽ dừng hoạt động khi những cây cầu đang xây dựng được hoàn tất, nối Hải Dương với các tỉnh, thành phố xung quanh. Sẽ không còn những lo lắng phải có nhiều thời gian cho những lúc chờ phà, những khi ngồi dập dềnh trên con sóng to mùa lũ. Khi mùa hè đến, có thể về Thanh Hà ngắm những vườn vải chín đỏ trĩu cành, nếm hương vị ngọt ngào thanh mát của những chùm vải ấy rồi trở về mà không mất bao lâu. Vào mùa xuân, mùa thu, từ khắp các tỉnh, thành phố lân cận đều có thể tới dự Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc và về ngay trong ngày.
Những con đường thênh thang, thông suốt cùng những cây cầu vững chãi bắc qua sông cho tôi cảm giác những vùng đất ngày một xích lại gần nhau cho dù khoảng cách địa lý không có gì thay đổi. Nhờ những con đường, cây cầu mới ấy, người ta dễ dàng đi được nhiều nơi, không chỉ giao thông, kinh tế phát triển mà cả tình cảm con người cũng gần gũi hơn khi có thể gặp nhau một cách thường xuyên, không mấy khó khăn. Những con đường nối liền không gian, xóa mờ khoảng cách. Những con đường kéo dài, mở rộng tới đâu, nơi ấy bỗng bừng bừng khởi sắc. Những con đường như những chứng tích mang hơi thở của công cuộc xây dựng, phát triển tỉnh nhà. Ngắm những con đường ngày một khang trang, rộng rãi, tỏa đi khắp nơi như những mạch máu dồn dập, dồi dào, tôi biết rằng vùng đất mà tôi yêu quý sẽ còn hứa hẹn nhiều sự phát triển tốt đẹp hơn trong tương lai.
LAM ANH