Đường quê
Xã hội - Ngày đăng : 14:09, 08/11/2020
Đã có lần về quê, tôi đi nhầm lối về nhà. Phần thì xa quê đã lâu, phần do đường đi, lối lại trong làng giống nhau quá. Những con đường ngày xưa nhỏ hẹp, quanh co, lầy lội sau mỗi trận mưa, bây giờ được mở rộng, nắn thẳng, bê-tông hóa, có đèn điện chiếu sáng về đêm. Đấy là kết quả của sự chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới ở quê tôi.
Nhớ hồi tôi còn nhỏ, vào mùa mưa cữ tháng bảy, tháng tám, đường làng tôi ngập trong nước. Muốn đến nhà ai phải xắn quần trên đầu gối, đi phải dò đường. Bọn trẻ con chúng tôi thì trần truồng nghịch nước trên đường. Vào dịp Tết, qua tiết lập Xuân, mưa dầm, đường làng lầy lội, bẩn thỉu. Sau mưa, người đi lại đất xô chỗ cao, chỗ thấp. Rồi trâu đi thường sát mé đường, giống trâu đi thì cứ con sau đi dẫm chỗ con đi trước, tạo thành chỗ lồi lõm, nhìn như bậc thang nằm dọc đường.
Quê tôi vùng đồng chiêm trũng, trũng nhất huyện Nam Sách. Từ xưa, người ta đã truyền nhau câu "Trăm cái tội không bằng cái lội An Điền". An Điền là thôn lớn của xã Cộng Hòa, cũng là thôn trũng nhất. Mẹ tôi kể rằng, làng An Điền nhiều ao đầm nên mùa mưa nước lớn, đi lại là sợ nhất. Mẹ ở xóm Kim, lấy chồng về xóm Xuân, cách nhau chỉ hơn cây số mà khi mẹ về thăm ông bà ngoại tôi mà chẳng nhớ nổi đường. Vì bèo tây, bèo ong gặp nước nổi, che phủ kín hết cả đường. Thế là mẹ khóc. Bố tôi khi ấy phải lội nước, dò đường dẫn mẹ tôi "về quê". Đi đường, mẹ phải bấm chặt móng chân xuống đất, sợ trượt ngã. Dầm nước quanh năm nên những móng chân của mẹ tôi vàng màu đất sét. Bàn chân dường như cũng bè ra để thích nghi với những con đường đất. Nghĩ về những ngày cơ cực ấy, mẹ tôi không cầm được nước mắt.
Sau ngày miền Bắc được giải phóng và bước vào công cuộc kiến thiết đi lên chủ nghĩa xã hội, người dân quê tôi dập dìu vào HTX. Đường thôn, xã được quy hoạch, có trục chính, đường ngang, như chia thành ô vuông bàn cờ. Những con đường làng nhỏ quanh co được cải tạo, đắp cao, mở rộng hơn. Cũng từ đây, các tổ của HTX phân chia theo đường giao thông. Các con đường ra cánh đồng, đi về sân kho HTX ngày mùa rộn ràng như hội. Đường tuy mở rộng, cao hơn, nhưng vẫn là đường đất. Đường trục mới lát sỏi, đá, gạch vỡ nên bề mặt lổn nhổn, nhấp nhô. Vào những ngày lễ, Tết, chúng tôi là những học sinh được nhà trường huy động quét dọn vệ sinh nên từ các con đường trục chính đến ngõ xóm đều sạch sẽ tinh tươm... Mỗi lần đi trên đường quê là ký ức lại hiện về, như mới đây thôi.
Mấy năm trước, Nghị quyết của Đảng ủy xã đã xác định quyết tâm chống lấn chiếm lòng đường, khơi thông hệ thống mương máng dẫn nước để không làm hư hại đường giao thông. Rồi phong trào xây dựng nông thôn mới, các gia đình cùng nhau góp tiền, góp công, vận động những người con công tác, làm ăn ở xa quê hỗ trợ kinh phí, vật liệu để làm đường. Từ đó, những con đường ở xóm làng tôi được mở rộng, khang trang, sạch sẽ, ô tô đi vào tận sân nhà. Không chỉ đường trục, đường xóm cũng có đèn điện chiếu sáng. Ngày lễ, Tết còn treo băng-rôn, khẩu hiệu, dây hoa, cổng chào từ đầu làng, trông chẳng khác gì phố xá.
Những con đường quê đã minh chứng cho sự thay da, đổi thịt ở quê tôi, là sự bình yên, no ấm của người dân nhờ công cuộc đổi mới. Tôi về quê mà lòng cứ lâng lâng, nhớ về con đường đất trơn trượt, lầy lội gian khổ ngày nào. Người ta bảo, những người nhiều tuổi hay nghĩ về quá khứ. Không nhớ, không nghĩ sao được khi mà trải qua bao khó nhọc mới có ngày hôm nay, dù chỉ từ con đường quê thân thuộc.
Tản văn của NGUYỄN ĐÌNH XUÂN