Hướng tới Đại hội XIII của Đảng: Bài 3: Tự phê bình và phê bình - Củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng

Chính trị - Ngày đăng : 10:22, 20/01/2021

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với việc thực hành dân chủ thì “tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng”.





Ở nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, tự phê bình và phê bình chủ yếu được thực hiện vào dịp kiểm điểm cuối năm, chưa trở thành việc làm thường xuyên, hằng ngày. Ảnh minh họa

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng. Bởi theo Người cùng với việc thực hành dân chủ thì “tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng”.

"Vũ khí sắc bén" trong xây dựng Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Như vậy, tự phê bình và phê bình trong tư tưởng Hồ Chí Minh không những là vũ khí sắc bén trong xây dựng tổ chức mà còn được nâng lên tầm nghệ thuật trong công tác xây dựng Đảng, đồng thời chứa đựng tư tưởng nhân văn sâu sắc: tự phê bình và phê bình để hướng mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng tới giá trị hoàn mỹ, “làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân”.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, trong mọi giai đoạn cách mạng, tự phê bình và phê bình là việc làm không thể thiếu trong sinh hoạt và hoạt động của Đảng ta, góp phần làm cho cán bộ, đảng viên thấy được những ưu điểm, khuyết điểm của mình, tìm ra các phương pháp, cách thức để khắc phục. Nội dung tự phê bình và phê bình trong Đảng bao gồm toàn bộ các mặt hoạt động của Đảng và của mọi cán bộ, đảng viên. Phương pháp tự phê bình và phê bình cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo và khéo léo về cách thức tiến hành.

Trong quá trình cách mạng, không phải Đảng Cộng sản Việt Nam không mắc phải những sai lầm, khuyết điểm, nhưng Đảng đã luôn nhận ra và dũng cảm đối mặt với những sai lầm ấy. Trong quá trình đổi mới đất nước, Đại hội VI của Đảng mở đầu cho một thời kỳ nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật. Đảng ta đã nghiêm túc tự phê bình những sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo kinh tế-xã hội và những khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng. 

Tính từ Đại hội VI đến nay, Trung ương Đảng đã có các nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng. Đó là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa VI ngày 20.6.1988 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khóa VII ngày 29.6.1992 “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần2), khóa VIII ngày 2.2.1999 “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI ngày 16.1.2012 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XII ngày 30.10.2016 “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Các nghị quyết này đều đặt vấn đề tự phê bình và phê bình trong Đảng. Thông qua tự phê bình và phê bình mà sửa chữa những khuyết điểm, phát huy ưu điểm, làm cho công việc tiến nhanh và có hiệu quả.

Phải thực sự cầu thị, tự giác, chân thành, khách quan

Hiện nay, công tác tự phê bình và phê bình ở mỗi đảng viên luôn được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm. Nhiều tổ chức đảng thường xuyên giáo dục cho đảng viên thấy rõ sự cần thiết phải tăng cường tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt để các đảng viên thống nhất tư tưởng và hành động, khắc phục những biểu hiện buông lỏng sinh hoạt Đảng, coi nhẹ tự phê bình và phê bình. Qua công tác tự phê bình và phê bình, các đảng viên đã thấy được những điểm mạnh để phát huy, những điểm hạn chế để sửa chữa khắc phục. Từng cá nhân đảng viên qua công tác phê bình còn có thể khắc phục khuyết điểm trên từng công việc và lĩnh vực được giao.

Mặc dù vậy, công tác phê bình và tự phê bình trong Đảng vẫn tồn tại hạn chế. Bên cạnh các cán bộ, đảng viên mạnh dạn tự phê bình và phê bình thì một số đảng viên còn nể nang, ngại va chạm, ít phát biểu ý kiến. Nhiều chi bộ né tránh hoặc làm qua loa, hình thức và có xu hướng đổ lỗi cho sự hạn chế về nhận thức, dẫn đến nhiều vi phạm...

Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, hạn chế của công tác này, đó là: “Nguyên tắc tự phê bình và phê bình ở một số nơi bị buông lỏng trong thực hiện, chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát. Ở nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, tự phê bình và phê bình chủ yếu được thực hiện vào dịp kiểm điểm cuối năm, chưa trở thành việc làm thường xuyên, hằng ngày. Nhiều đảng viên, nhất là các đảng viên trẻ, đảng viên mới kết nạp ít thể hiện quan điểm, chính kiến..." 

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55, ngày 19.12.2016 về một số vấn đề cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trong đó tự phê bình và phê bình là nhóm nội dung quan trọng được đưa vào quy định. Theo đó, các đồng chí lãnh đạo phải là tấm gương trong thực hiện tự phê bình và phê bình để cấp dưới làm theo. Trong tự phê bình và phê bình phải thực sự cầu thị, tự giác, chân thành, khách quan; khi có khuyết điểm phải nhận khuyết điểm và phải có kế hoạch sửa chữa.

Để thực sự nêu gương tự phê bình và phê bình, đòi hỏi mỗi tổ chức cũng như mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao, chủ chốt đứng đầu cần tự giác, trung thực, tự phê bình thật nghiêm túc, khách quan có lý có tình, mang tính xây dựng. Coi trọng sự giáo dục, sự giúp đỡ chân thành của đồng chí, đồng nghiệp, học tập lẫn nhau; phải thực hiện phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”; khi có bệnh thì phải kiên quyết “trị bệnh cứu người”, không được có tư tưởng dễ dãi, bao che, hoặc tranh công, đổ tội.

Cùng với đó, cần xử lý nghiêm minh những biểu hiện thành kiến, trù dập người dám phê bình và có những hình thức kỷ luật thích đáng đối với những người lợi dụng phê bình để đạt mục đích tự tư tự lợi, gây chia rẽ mất đoàn kết nội bộ, để phá hoại Đảng.

TTXVN