Lòng dân với Đảng
Chính trị - Ngày đăng : 13:37, 26/01/2021
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng và các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đã gặt hái nhiều kết quả quan trọng, tạo được niềm tin to lớn trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần đưa nước ta ngày một phát triển. Nhiều cán bộ cao cấp liên quan đến những đại án bị điều tra, xét xử. Không ít cán bộ đã nghỉ hưu cũng bị đưa ra xử lý. Điều này thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta trong công tác PCTN, không có vùng cấm, không còn "hạ cánh an toàn".
Chúng tôi mong Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ tiếp tục đưa ra những giải pháp, biện pháp thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác đấu tranh PCTN, kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất. Công tác PCTN cần được các các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh cần tiếp tục được đẩy mạnh; đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ...
VŨ VĂN LUYỆN
Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Điền (Cẩm Giàng)
Phát triển mạnh kinh tế số
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những đột phá về công nghệ đang làm thay đổi những nền tảng phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt là công nghệ số phát triển mạnh mẽ đã tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia.
Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh đến phát triển kinh tế số. Kinh tế số được nhắc đến nhiều lần trong cả mục tiêu lẫn chiến lược. Tôi cho rằng đây là sự lựa chọn đúng đắn và sáng suốt. Bởi lẽ phát triển kinh tế số sẽ là một trong những khâu đột phá quan trọng để phát triển nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới. Kinh tế số phát triển sẽ góp phần giảm bớt khoảng cách tụt hậu của nền kinh tế trong nước so với các nền kinh tế trên thế giới. Trong thời đại hiện nay, việc phát triển các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo hết sức quan trọng. Công nghệ số, kinh tế số sẽ giúp hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đem lại lợi ích thiết thực đến từng người dân.
Tôi hy vọng Đại hội lần này sẽ thảo luận, có phương hướng phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số trong giai đoạn tới một cách rõ ràng, cụ thể hơn, dễ định lượng và dễ thực hiện.
NGUYỄN ĐÌNH PHƯƠNG
Giám đốc Công ty CP Công nghệ thương mại, dịch vụ VietStars
Để tôn giáo là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước
Qua tìm hiểu các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được đăng tải lấy ý kiến của nhân dân, tôi thấy phương châm và chủ đề của Đại hội đã thực sự thể hiện nguyện vọng của nhân dân, thể hiện ý Đảng hợp với lòng dân. Đặc biệt trong chủ đề Đại hội nhấn mạnh đến yếu tố dân tộc, tinh thần dân tộc.
Thời gian qua, Phật giáo nói riêng, tôn giáo nói chung luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động. Tôi mong nhiệm kỳ tới, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để tôn giáo không chỉ là thành tố văn hóa, mà thực sự còn là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước.
Để công tác tôn giáo góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội cần tập trung thực hiện tốt việc tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo cho các chức sắc, tín đồ các tôn giáo và các tầng lớp nhân dân; củng cố niềm tin của đồng bào tôn giáo đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của các cấp chính quyền; tạo sự đồng thuận, gắn kết giữa đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo, giữa đồng bào theo tôn giáo khác nhau. Cùng với đó, đấu tranh chống lại các hoạt động lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh trật tự...
Thượng tọa THÍCH THANH VÂN
Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp
Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, tôi thấy văn kiện đã nêu rất rõ mục tiêu cần cơ cấu lại các ngành kinh tế của đất nước. Đặc biệt là chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương... Tôi thấy chủ trương này rất phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp của nước ta. Ở nhiều địa phương đã chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến. Đã có nhiều doanh nghiệp "bắt tay" với nhà khoa học và nông dân trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Nông dân cũng đã thay đổi tư duy, mạnh dạn áp dụng công nghệ mới vào sản xuất...
Tôi mong tại Đại hội này, các đại biểu sẽ tiếp tục bàn thảo đưa ra nhiều giải pháp để ngành nông nghiệp phát huy được tiềm năng vốn có. Trong đó, quan tâm chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy nông dân xây dựng các mô hình liên kết; có chính sách cho doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết được vay vốn trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tích tụ đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
NGUYỄN VĂN TƯƠI
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hương, Ninh Giang
Trao cơ hội cho nữ giới
Trong nhiệm kỳ qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách bảo đảm quyền bình đẳng đối với phụ nữ, đặc biệt là chính sách với cán bộ nữ, tạo cơ hội để phụ nữ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, tham gia cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy các cấp.
Tuy nhiên thực tế kết quả vẫn chưa đạt được như mong đợi. Vẫn còn nhiều nơi phụ nữ chịu thiệt thòi, chưa có những cơ hội để phát triển hoặc chưa được trọng dụng, tín nhiệm chỉ vì là nữ giới. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII này, tôi mong các đại biểu dự Đại hội, nhất là các đại biểu nữ sẽ tích cực thảo luận về vấn đề này, đưa ra các giải pháp thực hiện bình đẳng về giới, tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển.
Để bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trong công tác xã hội cần có chính sách để các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm đúng mức công tác cán bộ nữ. Cần quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ với tỷ lệ cao hơn để bảo đảm nguồn sử dụng lâu dài. Không vì vấn đề giới mà không trao cơ hội cho chị em.
TRẦN THỊ TRIỂN
Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ thị xã Kinh Môn
Quan tâm đời sống công nhânTôi mong Đại hội thứ XIII của Đảng sẽ đánh giá đúng thực trạng việc làm, đời sống của người lao động để đề ra những giải pháp nâng cao chất lượng đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân.
Chúng tôi mong được Đảng, Nhà nước quan tâm nâng cao cả đời sống vật chất và tinh thần, đưa ra các chính sách phù hợp giúp người lao động có việc làm ổn định, bảo đảm thu nhập; tạo điều kiện cho người lao động được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt cộng đồng. Đối với những người lao động làm việc tại các ngành nghề, môi trường nguy hiểm, độc hại, cần được tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh định kỳ...
Tôi hy vọng Đại hội lần này sẽ đề ra nhiều quyết sách và các chính sách hỗ trợ người lao động về nhà ở, nhất là những lao động đã có gia đình để họ ổn định cuộc sống. Đặc biệt, Nhà nước có nhiều biện pháp giữ ổn định giá cả những mặt hàng thiết yếu, bảo đảm điều kiện cho người lao động...
PHẠM VĂN VIÊN
Công nhân Công ty TNHH May Formostar Việt Nam (TP Hải Dương)