Những yêu thương ngày Tết
Xã hội - Ngày đăng : 08:46, 11/02/2021
Bánh chưng, dưa hành là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết
Tết chập chững về từ khi những cánh đào bắt đầu bung mình he hé nụ. Góc bếp, nơi chú mèo mướp hay lim dim, cuộn mình tròn xoe trong cái giá rét mùa đông nay vươn mình, lăng xăng quẩn theo bước chân người. Bà ngồi têm trầu miệng luôn nhắc cô cháu gái trẩy mấy quả gấc đang lủng lẳng trên giàn sợ chín quá dễ rụng vỡ xuống sân. Rục rịch bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa cũng đã đủ mệt nhoài. Còn đến nửa tháng nữa mới Tết mà bà tôi đã giục: “Sắm gì thì sắm, bận gì thì bận nhưng con phải nhớ Tết đến là không được quên món dưa hành, cải muối đâu đấy nhé”. Bà nhắc vậy bởi cái tính hay lo xa chứ thực ra lâu nay việc chuẩn bị muối dưa mỗi khi Tết về đối với gia đình tôi đã thành thông lệ.
May mắn vì sinh ra và lớn lên nhờ hạt lúa củ khoai, tôi đã quen với việc đồng áng, rau cỏ và Tết nào cũng lẽo đẽo theo mẹ đi chợ xách làn, phụ giúp mẹ nấu nướng thế nên góc bếp đối với tôi thân thuộc như những cuốn sách vở tôi học hằng ngày. Mẹ tôi có tài nữ công gia chánh, đảm đang khéo léo nên những ngày Tết mẹ rất chịu khó nấu nướng bày biện món ăn. Vì thế, ít nhiều tôi cũng học lỏm được từ mẹ chút ít kinh nghiệm bếp núc.
Những ngày Tết cận kề hối hả bán mua, tuy bận bịu nhưng lúc nào cũng chộn rộn niềm vui. Phiên chợ Tết đông hơn với hàng hóa đa dạng đủ sắc màu, tấp nập người mua kẻ bán, chỉ ngắm thôi cũng đã đủ vui rồi. Ngày Tết, không gian căn bếp ấm cúng hơn thường ngày. Bà nội trợ như tôi đi sắm Tết không thể quên những thực phẩm để nấu những món ăn truyền thống như thịt thà, mộc nhĩ, măng miến, bánh đa nem, cà rốt, su hào... Lắng lại lòng mình giữa những tất bật hối hả lo sắm Tết với bao bận bịu đủ thứ, mới cảm nhận được hương vị Tết, mùi vị Tết dậy lên từ góc bếp xôn xao. Để rồi vui với niềm vui giản dị của một người vợ, người mẹ, người con khi được tự tay chăm sóc gia đình.
Bây giờ kinh tế khấm khá hơn, bữa ăn ngày thường cũng đã đủ đầy. Đến Tết cũng chẳng thèm thuồng như cái thời phải ăn độn sắn khoai. Chuẩn bị mâm cỗ đầy đặn, tỉ mỉ bày biện trang trí cho đẹp mắt là để thể hiện lòng thành kính thắp hương dâng lên tưởng nhớ tổ tiên, ông bà và những người đã khuất, mong mỏi một năm mới tài lộc, đủ đầy, ấm no, hạnh phúc. Vì thế, món nọ món kia bày ra, đôi khi chỉ là chạm đũa nhưng nếu có thêm món cải bắp muối, dưa hành sẽ làm giảm độ ngấy và tăng thêm khẩu vị cho bữa ăn. Ngày Tết nhà tôi luôn có hai vại dưa muối sẵn, ấy là cải bắp muối và lọ dưa hành. Phải là vại sành, chọn cây bắp cải cuộn chặt tròn xoe. Cải bắp vặt bỏ đi lá già, thái nhỏ kèm theo mớ rau cần vặt sạch lá cắt khúc, củ cà rốt nạo thành sợi để thêm tí màu sắc, một ít hành hoa cho vào vại nén. Pha nước ấm với muối, thêm vài thìa đường để dễ lên men. Thế là có đĩa rau dưa ăn kèm với thịt kho đông hoặc món giò xào. Thật tuyệt.
Với món hành muối tôi thường chọn loại củ hành vừa vặn. Bóc nõn ngâm với nước gạo qua đêm và nước muối loãng cho bớt hăng rồi vớt ra để ráo nước. Nạo thêm củ cà rốt cắt khoanh tròn và tỉa hoa cho đẹp. Đổ nước ngập hành và dùng đĩa nén xuống. Cứ căn độ trước Tết chừng chục ngày là vừa độ đến tầm hành chua giòn, dễ ăn. Ngày Tết dù có đĩa nọ bát kia nhưng nếu không có món dưa hành, rau dưa muối để đưa đẩy thì dẫu có mâm cao cỗ đầy cũng thiếu đi sự thú vị, hấp dẫn.
Tôi mỉm cười khi nhìn lũ trẻ thích thú ngồi bên say sưa học cách nạo dừa, mắt dán vào chảo mứt chăm chú nhìn tôi sao. Ngày xưa, chị em tôi cũng tập tành làm đủ các loại mứt dừa, gừng, bí đao và háo hức đón chào mẻ mứt đầu tiên khi tôi học được từ mẹ cũng hệt như bọn trẻ bây giờ. Chỉ cần bớt chút thời gian vào bếp tự tay làm mứt thết đãi cả nhà, mời khách và đem biếu người thân sẽ biết được cảm giác hạnh phúc nhường nào. Hương vị thơm ngon của những miếng mứt dẻo ngọt giúp bữa tối gia đình quây quần chờ đón giây phút giao thừa thêm rộn ràng hơn.
Khi thương yêu ai, ta sẽ dành thời gian tâm huyết để làm những món ngon cho người đó. Tâm tình của người bà, người mẹ khéo léo, tảo tần được gói ghém cả vào mâm cỗ Tết với những món ăn bình dị, thảo lành để làm nên bữa cơm gia đình ấm cúng đã truyền từ đời này sang đời khác. Góc bếp khơi lên những niềm vui, sự yêu thương, sum vầy trong bữa cơm ngày Tết đoàn tụ.
VŨ THỊ THANH HÒA