Những điểm mới trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: Bài 4: Dự báo tình hình, quan điểm và định hướng phát triển đất nước 10 năm 2021-2030
Chính trị - Ngày đăng : 20:38, 30/04/2021
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra dự báo về tình hình dịch Covid-19 có thể kéo dài, tác động xấu tới kinh tế thế giới. Ảnh tư liệu
Tình hình thế giới phức tạp hơn
Về dự báo tình hình thế giới, nội dung Văn kiện Đại hội XIII cho thấy tình hình thế giới phức tạp hơn so với dự báo trong Văn kiện Đại hội XII. Báo cáo chính trị Đại hội XIII có nhận định mới: "Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế".
Về lĩnh vực kinh tế có nhận định mới là kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của đại dịch Covid-19. Các quốc gia, nhất là các nước lớn, điều chỉnh lại chiến lược phát triển, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài, làm thay đổi chuỗi cung ứng.
Văn kiện Đại hội XII chưa đề cập đến Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Báo cáo chính trị Đại hội XIII nhấn mạnh: "Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc".
Về dự báo tình hình trong nước, Báo cáo chính trị Đại hội XIII nêu rõ những khó khăn, thách thức: "Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra". Nêu bật một số khó khăn mới, Báo cáo chính trị Đại hội XIII nhấn mạnh: "Xu hướng già hóa dân số nhanh; tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh; đặc biệt biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh gay gắt, phức tạp… ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước". Các vấn đề nều trên, văn kiện Đại hội XII và các Đại hội trước chưa đề cập tới hoặc có đề cập nhưng chưa rõ nét.
Nhấn mạnh hơn về những vấn đề cần khắc phục, Văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ: "Có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển văn hóa, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong phát triển kinh tế thị trường; chưa bảo đảm phát triển tổng thể, đồng bộ các vùng, miền, địa phương theo lợi thế so sánh và phát huy điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù".
Xác định hệ quan điểm chỉ đạo trong Báo cáo chính trị
Những Đại hội Đảng gần đây, trong Báo cáo chính trị thường không trình bày các quan điểm chỉ đạo. Tại Đại hội XI, Báo cáo chính trị, sau khi khẳng định tư tưởng: "Tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ theo con đường xã hội chủ nghĩa", trình bày ngay mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011-2015, không trình bày quan điểm chỉ đạo. 5 quan điểm phát triển được trình bày trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.
Trong các Văn kiện Đại hội XII, Báo cáo chính trị không có nội dung trình bày riêng về quan điểm chỉ đạo. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 nêu 4 quan điểm phát triển kinh tế - xã hội. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tổng kết thi hành Điều lệ Đảng khóa XI và đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng khóa XII (nếu có) trình bày 3 quan điểm chỉ đạo.
Đại hội XIII của Đảng là Đại hội mở đầu thập niên thứ ba của thế kỷ XXI trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến rất nhanh, phức tạp, có nhiều đột biến khó dự báo, tác động thường xuyên, trực tiếp đến nước ta, tạo ra đồng thời cả thuận lợi, thời cơ lớn đan xen với không ít khó khăn, thách thức gay gắt.
Đại hội XIII của Đảng có sứ mệnh định hướng phát triển đất nước từ nay đến năm 2025, đến năm 2030 với tầm nhìn đến năm 2045 gắn với hai sự kiện trọng đại: 100 năm thành lập Đảng (1930-2030), 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945-2045). Cán bộ, đảng viên, nhân dân hy vọng, tin tưởng Đại hội Đảng lần này sẽ đề ra những chủ trương, quyết sách sáng suốt, đúng đắn, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới. Xuất phát từ tầm vóc và ý nghĩa quan trọng của Đại hội XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thống nhất rất cao phải xây dựng một hệ quan điểm chỉ đạo trong Báo cáo chính trị và hệ quan điểm phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Báo cáo chính trị Đại hội XIII nêu hệ quan điểm chỉ đạo với 5 nguyên tắc cơ bản, nhấn mạnh quan điểm có tính nguyên tắc; về chiến lược tổng thể phát triển đất nước; về động lực phát triển; nguồn lực phát triển; về nhân tố hàng đầu quyết định thành công. Hệ quan điểm được kết cấu chặt chẽ, có quan hệ mật thiết với nhau, tạo thành một hệ quan điểm thống nhất, bao quát những tư tưởng chỉ đạo lớn đối với toàn bộ công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 trình bày 5 quan điểm phát triển: phát triển nhanh về bền vững; về thể chế phát triển; về nguồn lực con người; về xây dựng nền kinh tế tự chủ; về sức mạnh tổng hợp quốc gia trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, các văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 với 12 định hướng tổng quát trên các lĩnh vực của đời sống xã hội như Báo cáo chính trị Đại hội XII, nhưng có nhiều điểm mới về cách tiếp cận, mục đích và nội dung. 12 định hướng tổng quát về: hoàn thiện thể chế phát triển bền vững; tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ; xây dựng văn hóa và con người; quản lý phát triển xã hội; tài nguyên và môi trường; quốc phòng và an ninh; đối ngoại; dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; các mối quan hệ lớn.
--------------
Bài 5: Phát triển kinh tế trong giai đoạn 5 năm 2021-2025