Những điểm mới trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: Bài 10: Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế
Chính trị - Ngày đăng : 15:20, 06/05/2021
Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế
Xác định rõ hơn vai trò của hoạt động đối ngoại
Đại hội XIII khẳng định sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đạt nhiều thành tựu nổi bật và có một số điểm mới.
Thứ nhất, quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng và đi vào chiều sâu, tạo khung khổ quan hệ ổn định và bền vững với các đối tác. Thứ hai, chủ động tham gia xây dựng các nguyên tắc, chuẩn mực trong các thể chế đa phương khu vực và toàn cầu; xử lý đúng đắn, hiệu quả quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác khác. Thứ ba, tăng cường công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Tuy nhiên, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế có mặt, có lúc chưa theo kịp diễn biến của tình hình, chưa lường hết những tác động bất lợi; chưa khai thác tốt và phát huy hiệu quả các quan hệ lợi ích đan xen với các đối tác quan trọng; sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong công tác đối ngoại chưa chặt chẽ, thường xuyên.
Đại hội XIII xác định triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng với các điểm mới sau:
Thứ nhất, lợi ích quốc gia - dân tộc luôn được quan tâm và xác định là mục tiêu trọng yếu trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Báo cáo chính trị Đại hội XII nhấn mạnh: "Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi…". Báo cáo chính trị Đại hội XIII có cách nhìn nhận và xác định rõ hơn: "Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi".
Lợi ích quốc gia - dân tộc bao gồm rất nhiều yếu tố lợi ích: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, sự phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia ngày càng tăng lên, tất cả các nước đều chịu ràng buộc bởi luật chơi chung, mỗi quốc gia không còn là một cá thể riêng biệt mà phải chấp nhận hoặc gắn bó với nhau trong các mối quan hệ, liên kết hợp tác và cả cạnh tranh xung đột do sự đan xen cùng chiều và khác biệt về lợi ích quốc gia - dân tộc. Trong quan hệ phức tạp đó, bất kể quốc gia nào nếu chỉ theo đuổi lợi ích vị kỷ của mình sẽ dẫn tới căng thẳng, đối đầu. Chính vì thế, Văn kiện Đại hội XIII trình bày như vậy là thấu đáo, nhạy bén và xác đáng trong tình hình thực tế của thế giới.
Thứ hai, xác định rõ hơn vai trò của hoạt động đối ngoại. Báo cáo chính trị Đại hội XIII nhấn mạnh: "Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước". Đây là lần đầu tiên Văn kiện Đại hội Đảng xác định cụ thể và sâu sắc vị trí, vai trò của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Điều đó làm sáng rõ hơn nhiệm vụ trọng yếu của công tác đối ngoại là tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đối ngoại để phục vụ đối nội. Mở rộng quan hệ đối ngoại nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh.
Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại
Thứ ba, xác định chủ trương mới trong xây dựng nền ngoại giao và đội ngũ cán bộ đối ngoại. Báo cáo chính trị Đại hội XII nêu rõ: "… đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại; chăm lo đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại; bồi dưỡng kiến thức đối ngoại cho cán bộ chủ chốt các cấp". Đến Đại hội XIII, Báo cáo chính trị đã xác định: "Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân". Như vậy, cùng với chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến tới hiện đại, Đại hội XIII đề cập đến việc xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại. Đây là bước tiến mới có tính đột phá đối với hoạt động đối ngoại.
Thứ tư, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Văn kiện Đại hội XII chủ trương: Triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Đại hội XIII đã cụ thể hóa hơn và xác định những định hướng và nhiệm vụ sâu rộng hơn về hội nhập quốc tế. Báo cáo chính trị Đại hội XIII nhấn mạnh: "Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia. Gắn kết chặt chẽ quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng với việc nâng cao sức mạnh tổng hợp, huy động tiềm năng của toàn xã hội; đổi mới, hoàn thiện thể chế trong nước, nâng cao năng lực tự chủ, cạnh tranh và khả năng thích ứng của đất nước".
Rõ ràng là Đảng ta nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn các đặc điểm của môi trường quốc tế cũng như các hệ thống công cụ, quyền lực được sử dụng để chi phối, kiểm soát và vận dụng linh hoạt trong quá trình hội nhập quốc tế. Hội nhập quốc tế không giới hạn trong một phạm vi hay một lĩnh vực nào của đời sống quốc tế mà nó lan tỏa ở mọi cấp độ, mọi lĩnh vực trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Thực hiện hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng là tham gia vào các quá trình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Muốn việc thực hiện đó có hiệu quả nhất định phải tăng cường nội lực, giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy sức mạnh tổng hợp của quốc gia - dân tộc.
Thứ năm, chủ động, tích cực đóng góp đối với các hoạt động quốc tế. Văn kiện Đại hội Đại hội XII nêu rõ: Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc. Nhằm cụ thể hóa hơn và nâng cao tính chủ động, tích cực, hiệu quả các hoạt động quốc tế, Báo cáo chính trị Đại hội XIII nhấn mạnh: "Chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại đã ký kết".
Bài 11: Phát huy dân chủ và đại đoàn kết toàn dân tộc