Số lượng hội nghị tiếp xúc cử tri giảm nhưng không ảnh hưởng chất lượng vận động bầu cử
Chính trị - Ngày đăng : 17:24, 21/05/2021
Đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hải Dương đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh.
- Thưa đồng chí, các hội nghị trên đã được tổ chức xong sớm hơn dự kiến. Liệu việc tổ chức các hội nghị nhanh như vậy có bảo đảm chất lượng?
- Ngày 6.5, Ủy ban MTTQ các cấp bắt đầu tổ chức các hội nghị. Tính đến hết ngày 14.5, tỉnh ta đã hoàn thành việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII và đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026. Đến hết ngày 17.5, các hội nghị tiếp xúc giữa cử tri và người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện cũng đã được thực hiện xong. Như vậy, so với hướng dẫn của cấp trên, chúng ta đã hoàn thành sớm 5 ngày.
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, căn cứ vào hướng dẫn của cấp trên, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tham mưu với Ủy ban Bầu cử và thống nhất với UBND tỉnh rút gọn số lượng hội nghị tiếp xúc cử tri. Cụ thể, chỉ thực hiện 2 hội nghị tiếp xúc cử tri/đơn vị bầu cử để các ứng cử viên đại biểu Quốc hội vận động bầu cử (kế hoạch cũ là tổ chức ít nhất 10 hội nghị/đơn vị bầu cử); 2 hội nghị/đơn vị bầu cử để các ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh vận động bầu cử (kế hoạch cũ là tổ chức ít nhất 5 hội nghị/đơn vị bầu cử). Đối với cấp huyện và xã, qua nắm tình hình, hầu hết các địa phương đều tổ chức 1 hội nghị/đơn vị bầu cử. Cũng do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, các huyện Gia Lộc, Nam Sách và TP Chí Linh đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh vận động bầu cử bằng hình thức trực tuyến...
Trung bình mỗi hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh có 125 cử tri tham dự, đóng góp 5-7 ý kiến. Có 123 hội nghị tiếp xúc giữa cử tri và các ứng cử viên đại biểu HĐND cấp huyện được tổ chức, thu hút 9.810 cử tri tham dự, đóng góp 438 ý kiến; 897 hội nghị tiếp xúc giữa cử tri và các ứng cử viên đại biểu HĐND cấp xã, thu hút 43.359 cử tri tham dự, đóng góp 2.913 ý kiến.
So với hướng dẫn trước đây, số lượng các hội nghị tiếp xúc giữa cử tri và các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp tại Hải Dương đã giảm khoảng 2/3. Tuy nhiên, việc này không làm ảnh hưởng đến chất lượng.
Một điểm mới đáng chú ý trong kỳ bầu cử lần này là theo hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã và đang chủ trì, phối hợp với Ban Công tác Mặt trận thôn, khu dân cư tổ chức các cuộc mạn đàm để tìm hiểu thông tin về các ứng cử viên. Qua những cuộc này, cử tri và nhân dân có dịp hiểu hơn về các ứng cử viên, từ đó sẽ đưa ra sự lựa chọn sáng suốt nhất trong ngày bầu cử 23.5 sắp tới. Việc này chỉ có tỉnh ta làm được.
- Qua giám sát, theo dõi, nắm tình hình tại các hội nghị, đồng chí có thể chỉ ra đâu là những điểm nhấn đáng chú ý?
- Cơ bản cử tri đến tham dự hội nghị đúng giờ, chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch bệnh. Ý kiến của các cử tri tham gia vào chương trình hành động của các ứng cử viên đều ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề mà đại đa số cử tri và nhân dân quan tâm, thể hiện tinh thần xây dựng, cởi mở, dân chủ...
Đa số cử tri đều nhận xét các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp lần này có tuổi đời trẻ, phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm tốt hơn. Nội dung chương trình hành động của các ứng cử viên trình bày ngắn gọn, được cử tri và nhân dân quan tâm.
Đa số cử tri rất chú ý theo dõi các ứng cử viên trình bày chương trình hành động. Nhiều người còn ghi chép lại những gì ứng cử viên hứa nếu trúng cử. Ngoài trình bày trước hội nghị, chương trình hành động của các ứng cử viên được đăng tải rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội cũng rất tốt, bởi đây sẽ là căn cứ để cử tri và nhân dân giám sát việc thực hiện lời hứa của các đại biểu dân cử sau này. Các ứng cử viên cũng sẽ phải quan tâm, có trách nhiệm trước những gì đã hứa với cử tri và nhân dân.
- Từ nay đến ngày bầu cử, đâu là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống Mặt trận, thưa đồng chí?
- Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phân công lãnh đạo, chuyên viên theo dõi các địa phương phải bám sát địa bàn, xuống cơ sở để giám sát quá trình chuẩn bị công tác bầu cử bảo đảm theo đúng hướng dẫn. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ hai cấp huyện và xã cũng phải thực hiện nghiêm túc việc này. Tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền đa dạng dưới nhiều hình thức để vận động cử tri đi bầu cử vào ngày 23.5 đạt tỷ lệ cao nhất.
Trong ngày bầu cử, lãnh đạo, cán bộ cơ quan MTTQ các cấp phải có mặt tại các khu vực bầu cử được phân công; giám sát chặt chẽ quá trình triển khai nhiệm vụ bầu cử tại các điểm bỏ phiếu...
- Xin cảm ơn đồng chí!
TIẾN MẠNH(thực hiện)