Cây bút và trang giấy
Xã hội - Ngày đăng : 13:57, 20/06/2021
Tôi có ông bạn thân làm nghề báo. Có thể nói suốt đời ông gắn bó, duyên nợ với báo chí. Khi nghỉ hưu rồi, ông vẫn tham gia Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi. Những năm đầu mới nghỉ hưu, ông đều đặn viết bài tham gia với các báo ở Trung ương và địa phương, nhất là báo chí tỉnh nhà - nơi ông gắn bó gần cả cuộc đời. Sau này, lâu dần tuổi tác cao lên, sức khỏe yếu đi, các bài gửi đến báo thưa dần nhưng ông vẫn đam mê nghiệp báo. Ông chia sẻ mỗi khi cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21.6 là trong ông lại rạo rực những kỷ niệm, niềm vui và kể cả những trăn trở... Nghĩ đến làm báo là nghĩ đến cây bút, trang giấy. Cây bút, trang giấy theo họ đi suốt cuộc đời.
Ông bạn nhà báo thường tâm sự với tôi. Nhiều đêm ông trăn trở những điều báo nêu, những thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, nhất là diễn biến đại dịch Covid-19 mà báo đưa. Nhìn cây bút, trang giấy nằm trên bàn, lòng rạo rực lắm. Cây bút, trang giấy như có thần, nó cứ thì thầm gọi mình. Không yên được, ông bật dậy cầm lấy bút và ngồi ngẫm ngợi, nghĩ suy dưới ánh đèn, trước trang giấy trắng. Những vấn đề, sự kiện, những khó khăn cần khắc phục trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, những đổi mới trong các đề án, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ở các địa phương, cơ sở lại ập đến, thôi thúc ông phải làm gì với nhiệm vụ của một hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Và thế là những dòng đầu tiên của bài báo xuất hiện trên trang giấy. Cứ thế chăm chú, miệt mài viết, gạch xóa rồi lại viết. Viết mải mê, say sưa như có ma lực. Và dấu chấm hết trên trang bản thảo là lúc trời chuyển dần về sáng.
Có lần ông ốm phải nằm viện, tôi đến thăm. Tưởng ông yếu lắm, nhưng đã thấy ông ngồi trên giường, người ngả tựa vào tường, hai đầu gối co lên, bên trên để cái bìa sách, xấp giấy trắng, tay ông run run cầm bút, nét mặt đăm chiêu. Tôi nghĩ thầm: "Rõ khổ, lại viết lách gì rồi!". Hỏi ra mới biết, những lúc tỉnh táo ông lại nghĩ đến báo, lại suy ngẫm, lại viết trong đầu và cầm bút ghi trên giấy. Viết những gì? Ông bảo ông viết về gương những người thầy thuốc chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện. Trong số những người ấy, nhiều người tình nguyện xung phong vào tuyến đầu chống dịch Covid-19, trong đó cảm động nhất có bác sĩ con mới hai tuổi, để ở nhà với ông bà ngoại, thi thoảng lại gọi thăm con qua Zalo. Nhưng rồi đôi khi cây bút báo cũng "nhảy" sang viết văn nghệ. Ông có những câu thơ đọng lại trong lòng bạn đọc: "Ta về thăm bến sông xưa/ Cải xanh nay đã thành dưa nhà người"... hay: "Từng giọt nắng bên thềm ngưng đọng mãi" để rồi "Anh bạc tóc trên một dòng sông nhớ"... Ông bảo viết văn nghệ để thư giãn, còn lúc nào cũng tin, bài thấy căng thẳng, mệt. Báo và văn thơ như hai anh em ruột. Ông nói, ngày còn đương công tác thì làm báo để "nuôi" văn. Làm báo để có tư liệu, chắt chiu, tích cóp vốn sống để sau này có điều kiện, từ vốn sống và những trải nghiệm trong đời lấy ra "viết" văn. Và khi viết báo gặp khó khăn vì thiếu tư liệu, tin tức cập nhật, thì lại quay sang viết văn, làm thơ, lấy văn để "nuôi" báo. Khi phải nằm viện, ngoài những tư trang mang theo, ông bảo con cháu nhớ mang cây bút và những trang giấy cho ông. Quên gì thì quên, không thể quên cây bút và trang giấy. Bây giờ, các nhà báo ít dùng đến giấy mà viết trên máy vi tính. Tuy vậy, cây bút và trang giấy cũng rất cần. Theo ông bạn nhà báo, cây bút, trang giấy như có hồn, thường thôi thúc gọi ông đến với những bài báo, trang văn, câu thơ. Đôi khi ngồi trước bàn vi tính, tự nhiên lòng trống trải, khô cứng, không còn cảm xúc, đành lại lấy cây bút, trang giấy để viết bài. Lại cặm cụi, nắn nót từng dòng, tuy vất vả nhưng vui. Thế mới biết cây bút và trang giấy đã gắn bó sâu đậm với những người làm báo.
Tản văn của VŨ HOÀNG LUYẾN